"Không quân Ấn Độ (IAF) cùng Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển biến thể BrahMos có khả năng tấn công mục tiêu mặt đất. Cuộc thử nghiệm với tiêm kích hạng nặng Su-30MKI sẽ diễn ra vào tuần sau ở phía nam Ấn Độ", nguồn tin giấu tên trong IAF hôm qua tiết lộ.
Phiên bản tên lửa này mang tên BrahMos-A, được trang bị cho tiêm kích Su-30MKI và có thể đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách gần 300 km, ngoài tầm bắn của phần lớn các hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới.
"Điều này cho phép Su-30 tấn công mục tiêu trên lãnh thổ đối phương mà không cần xâm nhập lưới phòng không hay vượt qua biên giới, giúp IAF có thể tiến hành những chiến dịch như cuộc không kích hồi tháng 2", nguồn tin giấu tên nói thêm.
Không quân Ấn Độ hôm 26/2 điều các tiêm kích Mirage 2000 mang bom thông minh SPICE-2000 tấn công địa điểm được cho là trại huấn luyện khủng bố Jaish-e-Mohammed trên đất Pakistan. Jaish-e-Mohammed là nhóm Hồi giáo chịu trách nhiệm cho vụ đánh bom tự sát hôm 14/2 ở thành phố Srinagar khiến 44 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Cuộc không kích khiến căng thẳng giữa hai nước tăng cao, dẫn tới cuộc không chiến lớn sau đó một ngày làm một tiêm kích MiG-21 Ấn Độ bị bắn rơi.
Không quân Ấn Độ tháng 11/2017 phóng thử thành công tên lửa BrahMos-A từ tiêm kích Su-30MKI, đánh trúng mục tiêu mô phỏng tàu chiến ở vịnh Bengal, cách địa điểm phóng khoảng 290 km. Bộ Quốc phòng Ấn Độ sau đó ký hợp đồng mua phiên bản BrahMos-A và dự kiến nâng cấp khoảng 2/3 phi đội 272 máy bay Su-30MKI để mang tên lửa mới.
BrahMos có tốc độ tối đa 3.700 km/giờ, gấp 3 lần âm thanh, được coi là một trong những "sát thủ diệt hạm" nhanh nhất thế giới. BrahMos sử dụng đầu đạn nặng 200-300 kg, hệ thống dẫn đường quán tính và radar chủ động, cũng như hiệu chỉnh đường bay bằng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS/IRNSS.
Vũ Anh (Theo India Times)