Các vụ thử tên lửa BrahMos của Ấn Độ
Tập đoàn liên doanh BrahMos Aerospace hôm 11/3 bắn thử thành công tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos ER (BrahMos tăng tầm) tại bãi phóng Chandipur, Ấn Độ, Livejournal đưa tin.
BrahMos Aerospace tuyên bố vụ thử nghiệm "thành công 100%" và quả đạn BrahMos ER đạt tầm bắn trên 400 km, trong khi truyền thông Ấn Độ khẳng định tên lửa có thể tấn công mục tiêu ở cách 450 km. Con số này tăng đáng kể so với mức 290 km của phiên bản gốc.
Dự án BrahMos là kết quả hợp tác giữa Nga và Ấn Độ, được phát triển trên nền tảng tên lửa P800 Oniks của Nga. Tầm bắn 290 km bị giới hạn bởi Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), trong đó cấm các quốc gia xuất khẩu tên lửa có tầm bắn trên 300 km và sử dụng đầu đạn trên 500 kg, cũng như công nghệ chế tạo các loại tên lửa này.
Tháng 6 năm ngoái, Ấn Độ đã tham gia MTCR, cho phép nước này nhận chuyển giao công nghệ từ Nga. Kết quả là New Delhi có thể chỉnh sửa động cơ và hệ thống của BrahMos, tạo ra phiên bản BrahMos ER với tầm bắn 450 km.
Các chuyên gia quân sự của Viện phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) cho rằng Ấn Độ chỉ gỡ bỏ các giới hạn trên tên lửa BrahMos. Điều đó cho phép nó đạt thông số gần bằng mẫu P800 Oniks nội địa của Nga, vốn có tầm bắn tới 600 km.
Khoảng 65% chi tiết của BrahMos được cung cấp bởi Nga, gồm cả đầu dò radar và động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet). Hai nước từng bất đồng về bản quyền công nghệ, trong đó cho phép Ấn Độ xuất khẩu tên lửa BrahMos mà không cần sự chấp thuận của Nga.
Tử Quỳnh