Thật ra mấy cách gọi danh hiệu này không hề dễ hiểu, kể cả bạn phụ huynh Nguyễn Đức Hải giải thích cho con trong bài viết Con tôi nghĩ rằng vua Lý Thái Tổ 'họ Lý tên Tổ' cũng vẫn chưa chính xác.
Trước đây vì thắc mắc nên tôi phải đọc đi đọc lại mãi mới phân biệt được tên húy, miếu hiệu, thụy hiệu, niên hiệu, nên nói gì chuyện trẻ con nhầm lẫn.
Lấy ví dụ vua Ung Chính của nhà Thanh (bên Trung Hoa):
- Tên húy: (Ái Tân Giác La) Dận Chân - Niên hiệu: Ung Chính - Miếu hiệu: (Thanh) Thế Tông - Thuỵ hiệu: Kính Thiên Xương Vận Kiến Trung Biểu Chính Văn Vũ Anh Minh Khoan Nhân Tín Nghị Duệ Thánh Đại Hiếu Chí Thành Hiến Hoàng đế.
Tên húy là tên cha mẹ đặt cho, đối với bậc vua chúa đây là những chữ phải kỵ. Việc kỵ húy nghiêm ngặt tới mức tất cả các anh em của Ung Chính đều phải đổi chữ Dận vốn có trong tên thật thành chữ Doãn sau khi hoàng tử Dận Chân đăng quang.
Hoặc ở Việt Nam, tên húy của vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, nên chữ Hồng phải đọc chệch thành Hường, chữ Nhậm phải đọc chệch thành Nhiệm. Sĩ tử đi thi nếu phạm húy không những bị đánh trượt mà còn có thể bị xử phạt nặng.
>> Xem thêm: 5 lý do khiến học sinh không thích môn lịch sử
Miếu hiệu là danh hiệu dùng trong tông miếu (để thờ trong thế miếu) mà vua đời sau đặt cho vua đời trước. Miếu hiệu thường có thứ tự nhất định, chẳng hạn như Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông... Thụy hiệu hiểu đơn giản là danh hiệu bao gồm những chữ tốt đẹp mà vua đời sau đặt cho vua đời trước với mục đích xưng tụng.
Một vị hoàng đế còn tại vị tất nhiên không có miếu hiệu và thụy hiệu. Những vị vua cuối cùng của các triều đại cũng thường không có miếu hiệu và thụy hiệu. (Với nhà Thanh, thụy hiệu thường rất dài nhưng trong những chữ này, chữ cuối cùng là quan trọng nhất và thụy hiệu của hoàng hậu sẽ bao gồm chữ này. Hoàng hậu tất nhiên không có miếu hiệu mà chỉ có thụy hiệu, nên nhìn vào thụy hiệu sẽ biết đó là hoàng hậu của vị vua nào. Chẳng hạn hoàng hậu của vua Ung Chính có thụy hiệu là Hiếu Kính Cung Hòa Ý Thuận Chiêu Huệ Trang Túc An Khang Tá Thiên Dực Thánh Hiến Hoàng hậu).
Việc dùng các danh hiệu này như hiện nay không hẳn là do sách vở không thống nhất mà do tùy vào từng thời kỳ, từng triều đại, loại danh hiệu được dùng phổ biến nhất cũng khác nhau.
Ở Việt Nam, đối với các triều Lý, Trần, Lê việc dùng miếu hiệu để chỉ một vị vua và thời đại gắn với vị vua đó là phổ biến nhất: Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông...
Điều này cũng phổ biến đối với nhà Đường, nhà Tống của Trung Quốc. Tuy nhiên, các vua nhà Nguyễn của Việt Nam lại được biết đến phổ biến qua niên hiệu, ví dụ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Bảo Đại...
Việc niên hiệu trở thành danh hiệu phổ biến nhất có lẽ là do nhà Nguyễn học theo sự thay đổi của nhà Minh và nhà Thanh. Khác với các triều đại trước, các vua nhà Minh, nhà Thanh và nhà Nguyễn của Việt Nam chỉ dùng duy nhất một niên hiệu trong toàn bộ thời gian trị vì chứ không thay đổi liên tục sau một vài năm (ví dụ, Hán Vũ Đế dùng tới 11 niên hiệu trong 54 năm trị vì).
Miếu hiệu của các vị vua trong những triều đại này rất ít phổ biến, chẳng hạn ít ai biết Nguyễn Cảnh Tông là vua Đồng Khánh. Cá biệt, với nhà Hán, thụy hiệu lại là danh hiệu phổ biến nhất dùng để chỉ các vua (ví dụ Hán Văn Đế, Hán Vũ Đế).
>> Xem thêm: Học môn Sử 'chán ngắt, như vẹt và đầy áp lực'
Thụy hiệu của nhà Hán thường rất ngắn, chẳng hạn danh hiệu phổ biến "Hán Vũ Đế" xuất phát từ thụy hiệu mà ông được truy tặng - Hiếu Vũ Hoàng Đế. Ít ai nhớ tới miếu hiệu Hán Thế Tông của ông.
Trong bài viết trên, bạn phụ huynh chỉ nêu ra một vài trường hợp nhưng đó đều là những trường hợp thú vị: "Quang Trung" thực chất là niên hiệu mà Nguyễn Huệ chọn khi lên ngôi. Ít ai biết miếu hiệu của ông là Thái Tổ, thụy hiệu là Võ hoàng đế.
"Đinh Tiên Hoàng": Sau khi cha con vua Đinh (Bộ Lĩnh) bị hành thích, vua nhỏ nối ngôi, triều đình rối ren nên không đặt thụy hiệu, miếu hiệu cho nhà vua. Tiên Hoàng hay Tiên Vương chỉ là cách gọi tôn kính với một vị vua đã qua đời. Cũng có người cho rằng chữ Tiên là để chỉ vua đầu tiên của nhà Đinh.
Trường hợp của Đinh Tiên Hoàng chưa lạ lùng bằng trường hợp vua Lê Đại Hành. Chữ "đại hành" vốn dùng cho đế, hậu sau khi qua đời mà chưa đưa vào lăng tẩm, vì chưa có miếu hiệu, thụy hiệu nên tạm gọi là "đại hành hoàng đế", "đại hành hoàng hậu". Lê Hoàn qua đời, con là Lê Long Đĩnh nối ngôi nhưng bất hiếu, không đặt thụy hiệu cho cha. Từ đó, chữ "đại hành" vốn là thụy hiệu tạm thời lại được dùng vĩnh viễn cho đến ngày nay.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.