Lim Ban Lim, có sáu bí danh là Tau Hong Lim, Seow Lim, Ah Seow, Suay Kia, Oei Kia và Ah Oei, nằm trong danh sách truy nã từ năm 1965, sau khi bắn bị thương một thám tử ở đường Paya Lebar vào tháng 5 năm đó.
Vụ nổ súng diễn ra sau khi thám tử Peter Lim và một cảnh sát bắt giữ một tên côn đồ đang đi cùng Lim và đồng bọn. Lim và bạn chạy trốn, thám tử Peter đuổi theo. Khi đuổi đến đường Macpherson, Lim giật lấy khẩu súng lục ổ quay của cảnh sát và nổ súng vào thám tử, đạn sượt qua ngón tay phải và chân phải của Peter.
Sau khi vụ việc xảy ra, cảnh sát mô tả Lim cao khoảng 1,65 m, thân hình trung bình, nói tiếng Phúc Kiến.
Theo điều tra, Lim Ban Lim sinh năm 1940, sa chân vào con đường phạm tội sau khi bị tạm giữ vào năm 1958, do cướp số thuốc lá trị giá hàng nghìn USD. Năm 1963, Lim từ kẻ trộm cắp nhỏ trở thành tên cướp có máu mặt.
Hắn lập nhóm, trang bị súng ổ quay để đi cướp tiền. Vụ lớn nhất của Lim ở Singapore là 156.000 USD cướp được từ First National City Bank ở đường Collyer Quay vào năm 1966. Hai năm sau, Lim và năm tay súng khác xông vào kho bạc ở Johor, Malaysia và lấy đi 450.000 USD. Một cảnh sát bị bắn chết.
Trong 9 năm gây án ở Singapore và Malaysia, Lim đã kiếm được ít nhất 2,5 triệu USD. Sau mỗi lần phạm tội, hắn sẽ trốn khỏi Singapore đến ẩn náu ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hong Kong hoặc Ma Cao bằng cách sử dụng giấy thông hành giả.
Lim có thể bắn súng bằng cả hai tay và là bậc thầy ngụy trang. Không chỉ phẫu thuật thẩm mỹ, nhiều lần Lim còn hóa trang thành phụ nữ để tránh bị nghi ngờ.
Tháng 9/1966, Lim bắn bị thương thám tử Allan Lee để giải cứu bạn bị bắt tại sảnh rạp chiếu phim Odeon ở đường North Bridge.
Ngày 23/6/1968, Lim bắn cảnh sát Koh Chong Thye, 27 tuổi. 13h20 hôm đó, Koh nhìn thấy Lim đi ra khỏi một cửa hàng ở đường Rangoon. Koh và hai sĩ quan khác theo dấu Lim đến một khu đất trống ở đường Owen.
Tại đó, Lim bất ngờ đối đầu với các cảnh sát bằng một khẩu súng lục tự động Browning và yêu cầu hạ sĩ Koh giao ra khẩu súng lục ổ quay. Koh từ chối, giằng co với Lim rồi chạy ra sau một chiếc ôtô đang đậu. Lim bắn vào ngực Koh. Mặc dù bị thương, hạ sĩ rút súng bắn trả nhưng lệch mục tiêu. Lim bắn phát thứ hai nhắm vào trán Koh, hạ gục.
Sĩ quan Cheong Yan Soon nhặt súng của Koh và bắt đầu cuộc đấu với Lim. Cheong đuổi theo Lim qua các con ngõ, bãi đậu xe và những quầy hàng quanh đường Owen. Lim bắn Cheong trước khi lao vào ngã rẽ. Lúc này, một thám tử khác xuất hiện, nổ súng về phía Lim trong khi hắn chạy quanh co rồi nhảy vào một chiếc taxi, bắt tài xế đưa đến phố Lavender và biến mất.
Cảnh sát tiến hành một cuộc truy lùng lớn, công bố hình ảnh của hắn trên tivi. Các bác sĩ và nhân viên y tế người Hoa được yêu cầu thông báo cho chính quyền nếu thấy một người đàn ông bị thương đến tìm trợ giúp.
Trong cuộc điều tra về cái chết của hạ sĩ Koh vào tháng 3/1970, vụ án được nhà chức trách mô tả là "xả súng kiểu Hollywood" điển hình.
Nhà bệnh lý học Chao Tzee Cheng cho biết nạn nhân bị trúng ba viên đạn.
Cảnh sát treo thưởng 5.000 USD cho việc bắt giữ Lim. Cục Điều tra Hình sự cũng tiến hành các cuộc đột kích để truy lùng. Chưa đầy một năm sau, tháng 3/1969, cảnh sát tăng gấp đôi phần thưởng lên 10.000 USD.
Lim từng nói với Cục trưởng Cục Điều tra Hình sự qua điện thoại: "Các người sẽ không bao giờ bắt được tôi. Khi sắp bắt được tôi, chắc chắn tôi sẽ đấu súng. Tôi sẽ dùng viên đạn cuối cùng để kết liễu cuộc đời, vì vậy các người chỉ có thể nhặt xác tôi".
Cuối tháng 11/1972, cảnh sát nhận được tin rằng Lim đã trở lại Singapore sau vài tháng lẩn trốn ở Đài Loan và Ma Cao. Hắn sẽ cùng "tay sai đáng tin cậy" là Chua Ah Kow ghé chơi chợ đêm. Lúc đó, Lim đang bị truy nã với tiền thưởng 17.000 USD. Hắn và Chua bị truy nã bởi cả hai phía Singapore và Malaysia vì liên quan đến một loạt vụ giết người và cướp có vũ trang.
19h30 ngày 24/11/1972, sáu cảnh sát mai phục ở khu vực lân cận Nhà hát Golden City. Sau 45 phút, họ thấy Lim và Chua đi bộ dọc dãy hàng quán bên đường. Bộ đôi bước ra khỏi một cửa hàng 10 phút sau đó. Đột nhiên, chúng bỏ chạy theo hai hướng ngược nhau, đồng thời nổ súng vào cảnh sát.
Cảnh sát bắn trả,nhưng đường đông đúc khiến họ phải hết sức cẩn thận. Thám tử Tan Lee Keng bị hai phát đạn sượt qua ngực. Cuối cùng, cảnh sát bắn ba phát vào Lim. Hắn loạng choạng khoảng 10 m thì gục xuống tử vong, tay trái vẫn nắm chặt súng. Cảnh sát sau đó tìm thấy 13 viên đạn trong túi của Lim và 1,4 USD tiền lẻ.
Chua bắn thêm hai phát trước khi chạy thoát. Trong một cuộc đấu súng tại đường Tank vào ba tuần sau, Chua đã tự sát.
Sau cái chết của Lim, 33 tù nhân trốn khỏi một trung tâm cải huấn chỉ để dự đám tang của hắn.
Băng nhóm Lim Ban Lim và một loạt vụ nổ súng vào đầu những năm 1970 đã góp phần quan trọng trong việc ban hành luật kiểm soát súng nghiêm ngặt của Singapore.
Theo đó, tháng 12/1972, anh em nhà Hassan - Abdul Wahab, 24 tuổi và Mustapha, 21 tuổi - tự sát sau vụ đấu súng với cảnh sát tại một nghĩa trang Hồi giáo ở phố Victoria. Hai anh em điều hành một tổ chức buôn lậu súng. Sau khi Wahab trốn thoát khỏi nhà tù Changi, họ đứng sau một chuỗi vụ cướp có vũ trang chỉ trong một tháng rưỡi.
Tháng 4/1973, thám tử Ng Poh Hock, 27 tuổi, bị bắn chết bởi tay súng Ng Ah Bai ở Geylang. Cuối tháng đó, tên trùm xã hội đen 30 tuổi bị cảnh sát bắn chết.
Ngày 12/7/1973, thám tử Ong Poh Heng bị bắn chết bởi Hoo How Seng, 21 tuổi, tay sai của một thủ lĩnh khét tiếng thế giới ngầm, đồng thời là thành viên băng cướp có vũ trang. Cuối tháng 7, Hoo bị cảnh sát bao vây tại nhà. Khi hắn rút súng ra, một cảnh sát xông lên giằng co khiến hắn bắn trượt và bị các thám tử bắn hạ.
Tháng 11/1973, Đạo luật cấm vũ khí được Quốc hội Singapore thông qua nhằm ngăn chặn việc sở hữu, sử dụng, buôn bán và vận chuyển vũ khí, đạn dược bất hợp pháp.
Người đầu tiên bị bắt theo luật kiểm soát súng mới là Sha Bakar Dawood. Anh ta bị kết án tử hình vào năm 1975 vì bắn và làm bị thương ba người tại một nhà chứa và sau đó nổ súng vào cảnh sát.
Tuệ Anh (Theo Straitstimes)