Năm 1963, thành phố Los Angeles, bang California, được mệnh danh "Thành phố nắm giữ dòng tiền quốc gia" với lượng ngân hàng nhiều nhất nước. Nhưng đến 1980, Los Angeles đã trở thành "trung tâm của các vụ cướp ngân hàng trên thế giới". Các vụ cướp ngân hàng tăng 50% từ năm 1975 đến 1980, với tới một phần ba trong số này xảy ra ở Los Angeles.
Một trong những nguyên nhân là mạng lưới đường cao tốc dài hàng nghìn dặm của Los Angeles cho phép kẻ gian trốn thoát rất nhanh, đặc biệt nếu ngân hàng ở gần cao tốc.
Hầu hết vụ án bị FBI thờ ơ vì cho rằng "ngày nào ở Los Angeles chả có cướp ngân hàng". Nhưng vụ cướp ngân hàng tại thành phố Norco do George Smith tổ chức vào năm 1980 lại hoàn toàn khác. Nó làm thay đổi chính sách chống tội phạm ngân hàng của Mỹ.
George Smith, 29 tuổi, làm lính pháo binh hai năm trong Quân đội Mỹ, được gửi đến Tây Đức để làm việc với vũ khí hạt nhân chiến thuật. Hắn sau đó làm công việc bảo trì ở Cypress, California. Trong thời gian này, George Smith gặp Chris Harven, đồng nghiệp 27 tuổi.
Lo ngại cuộc đụng độ hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ, hai gã cùng chuyển đến Mira Loma, bang California cùng ấp ủ kế hoạch chống đối xã hội, chuẩn bị cho "ngày tận thế", kiếm tiền bằng cách trồng 300 cây cần sa.
Tuy nhiên, khi việc kinh doanh cần sa không thành hiện thực, George Smith ấp ủ kế hoạch mới để kiếm tiền nhanh chóng - cướp ngân hàng.
Để hiện thực hóa kế hoạch, họ chiêu mộ thêm ba thành viên: 2 anh em Billy, 17 tuổi, bỏ học đi dạt nhà nhiều năm và anh trai Manny, 21 tuổi đang bấn tiền nuôi hai con nhỏ. Người cuối cùng trong băng đảng là Russell, em trai 26 tuổi của Chris.
George Smith đến dò la Ngân hàng Security Pacific và ghi nhớ cách bố trí nhân viên, hệ thống cửa, thoát hiểm, an ninh. Chúng chuẩn bị súng ngắn, súng lục, hàng nghìn viên đạn và 9 khẩu súng trường Armalite. George Smith còn chế tạo một số lựu đạn và bom cháy có thể ném bằng tay hoặc bắn từ súng ngắn. Hắn ta cũng tạo ra một IED - thiết bị nổ ngẫu hứng, được thiết kế để đánh lạc hướng cảnh sát khỏi ngân hàng. Cả nhóm ăn trộm chiếc xe tải van Dodge đời 1979 từ trung tâm thương mại.
Phần cuối cùng trong màn mở đầu của vụ cướp là đặt IED trên đường ống dẫn khí đốt tại khu vực xây dựng ở phía nam Norco. Khi bom nổ, bọn cướp sẽ xông vào ngân hàng. Tuy nhiên, quả nổ bị xịt. Điều này đồng nghĩa, toán cướp có nguy cơ đối phó với toàn bộ lực lượng an ninh khẩn cấp của Norco và còn có thể sẽ được tăng cường bởi chính quyền địa phương.
Nhưng chúng quyết định tiếp tục bất chấp, tiến vào Ngân hàng Security Pacific, thành phố Norco, lúc 15h30' ngày 9/5/1980. Ngân hàng đang chật kín khách. Manny nhảy lên quầy giao dịch với khẩu súng ngắn, trong khi George đi lang thang với khẩu HK91, hét ra lệnh. Chris Harven đưa giám đốc ngân hàng đến kho lấy 20.000 USD tiền mặt. Billy cầm lái chiếc xe tải, sẵn sàng cho cuộc tẩu thoát.
"Bốn người đàn ông dùng báng súng, cùng đập cửa kính một lúc. Tôi đã cố gắng nhấn chuông báo động nhưng tên cướp trước mặt tôi nói: Bấm chuông đi và đầu mày sẽ nổ tung", một nhân viên ngân hàng kể.
George Smith chỉ định gây án trong hai phút nên liên tục hét để cả bọn khẩn trương và tập trung. Tuy nhiên, cảnh sát đã nhận được cuộc gọi báo sự việc từ một người ở bên kia đường.
Khi toán cướp rời ngân hàng với 20.000 USD cũng là lúc cảnh sát ập tới. Cuộc đọ súng nổ ra. Mới chỉ 4 phút trôi qua từ khi toán cướp xông vào ngân hàng nhưng Billy và 2 sĩ quan tử vong tại chỗ. Nhưng cuộc rượt đuổi gay cấn lúc này mới bắt đầu.
Chris Harven thay Billy lái, George Smith, Manny và Russell thay nhau nã đạn về phía sau để bảo vệ cả nhóm. Chúng phóng như bay về phía bắc, tông vào nhiều ôtô dọc đường. Phát hiện một chiếc trực thăng cảnh sát ở phía sau, chúng huy động súng trường bán tự động, bắn hàng trăm phát vào thân máy bay khiến nó phải hạ cánh khẩn.
George sau này khai "không cố giết" các sĩ quan cảnh sát mà chỉ đánh động để họ biết mà tránh đường.
Khi bọn cướp xé toạc Hẻm núi Lytle Creek, cảnh sát không từ bỏ cuộc truy đuổi. Chiếc xe đi đầu của họ đột ngột dừng lại ngay sau một khúc cua gấp trên đường. Ngay tại đây, những tên cướp đang dừng xe cố thủ. Một cảnh sát bị bất ngờ, không kịp chống trả và lập tức bị bắn chết.
Viên sĩ quan còn lại cố gắng thu mình trong xe. Tuy nhiên, các tay súng vây quanh anh ta, bắn đạn vào xe tuần tra mỗi khi thấy anh chuyển động. May mắn thay, viên cảnh sát có nhiều súng. Với khẩu M16 tự động, anh đứng dậy và bắn liên tiếp, xua toán cướp vào rừng.
Khi mặt trời lặn, những tên cướp bắt đầu đau đớn do thương tích. Trong khi đó, cảnh sát siết vòng vây, dựng trại và chờ trời sáng để "bắt cá cả mẻ". Cuộc công kích không gặp khó khăn, trừ việc Manny quyết liệt chống trả và bị tiêu diệt. Trong cuộc truy bắt này, 33 xe cảnh sát bị hư hỏng, 8 sĩ quan bị thương và 3 người đã chết.
George Smith cùng anh em Chris và Russell Harven bị kết tội giết người cấp độ một với 45 tội danh cố ý giết người, hành hung, cướp có vũ trang, bắt cóc và sử dụng chất nổ. Mức hình phạt tổng hợp là chung thân không ân xá.
Ngày nay, vụ cướp dần vào quên lãng. Nhưng 41 năm trước, nó đã trực tiếp tác động tới cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.
Khi đó, nhận ra hoả lực yếu kém thua xa những tay tội phạm non nớt tuổi đời đôi mươi, Văn phòng Cảnh sát trưởng thành phố đã mua một lô vũ khí, bao gồm 36 khẩu súng tự động và thậm chí một khẩu súng máy M60 cho một máy bay trực thăng để tăng cường sức mạnh đối kháng với bọn cướp ngân hàng.
Họ nhận thức được đã đến lúc thay đổi cách nhìn về loại tội phạm này. Chúng không còn "vặt vãnh".
Sự thay đổi về hỏa lực này đã trở thành luật liên bang vào năm 1997, khi Tổng thống Bill Clinton ra chương trình 1033, cho phép Bộ Quốc phòng gửi thiết bị cấp quân sự cho lực lượng cảnh sát trên khắp đất nước.
Giới chuyên gia nhận định, vụ "thảm án Norco" tạo cuộc cách mạng trong chiến thuật đào tạo cảnh sát và nâng cấp kho vũ khí của lực lượng.
Hải Thư (Theo Grunge, The daily beast, lamag)