Tàu vũ trụ Starliner do Boeing phát triển nằm trong Chương trình chở người thương mại của NASA, trong đó cơ quan này hợp tác với các công ty tư nhân để thúc đẩy phát triển tàu vũ trụ vận chuyển phi hành gia. Đây là ý tưởng nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào tàu vũ trụ Soyuz do Nga chế tạo. Công ty đối thủ của Boeing là SpaceX đã đạt nhiều bước tiến lớn, sử dụng tàu Crew Dragon để vận chuyển thành công phi hành gia NASA trong nhiệm vụ thương mại đầu tiên kết thúc hồi tháng 5.
Sau nhiều năm phát triển, tàu Starliner lần đầu tiên phóng lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào tháng 12/2019. Nhưng thay vì ghép nối với trạm ISS, con tàu mất hai ngày bay lệch quỹ đạo trước khi trở về Trái Đất an toàn. NASA và Boeing đã hợp tác kiểm tra vấn đề, phát hiện trục trặc phần mềm và liên lạc.
Hình nộm Rosie, thiết bị thử nghiệm nhân trắc của Boeing, sẽ tiếp tục ngồi ở ghế chỉ huy trên tàu Starliner trong chuyến bay không người lái lần thứ hai sắp tới (OFT-2). Trong chuyến bay OFT-1, Rosie trang bị 15 cảm biến giúp thu thập dữ liệu về trải nghiệm của phi hành gia suốt quá trình bay. Ở OFT-2, các cổng thu thập dữ liệu tàu vũ trụ kết nối với cảm biến của Rosie từ trước sẽ được sử dụng để gom thông tin từ cảm biến đặt dọc thân ghế.
Theo kế hoạch, tàu Starliner sẽ ghép nối với trạm vũ trụ trên quỹ đạo và giao 200 kg hàng hóa cùng nhu yếu phẩm cho phi hành đoàn. Con tàu sẽ đỗ 5 - 10 ngày ở đó trước khi tách rời và bay trở về Trái Đất, hạ cánh ở miền tây nước Mỹ. Nếu chuyến bay thử nghiệm này thành công, NASA và Boeing hy vọng có thể tiến tới nhiệm vụ có người lái trước dịp cuối năm. Tàu Starliner sẽ cất cánh hôm 30/7 từ Trạm không quân Cape Canaveral ở Florida trên lưng tên lửa Atlas V.
An Khang (Theo New Atlas)