Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) cho biết một số tàu tuần tra của hải cảnh Trung Quốc tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hồi tuần trước. Tàu Trung Quốc ở lại trong khu vực 30 tiếng trước khi rút đi.
"Đây là vụ xâm nhập lãnh hải Nhật Bản lâu nhất của tàu Trung Quốc từ khi chính phủ Nhật Bản mua một số đảo thuộc nhóm đảo Senkaku từ chủ sở hữu tư nhân hồi năm 2012", JCG cho biết. Nhật đang kiểm soát và tuyên bố chủ quyền với nhóm đảo mà họ gọi là Senkaku, khẳng định vùng nước 12 hải lý xung quanh nhóm đảo là lãnh hải. Trong khi đó, Trung Quốc cũng cho rằng họ có chủ quyền với nhóm đảo, gọi nó là Điếu Ngư.
Nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hồi năm 2013. Căng thẳng Trung - Nhật quanh nhóm đảo đang nóng trở lại trong bối cảnh Trung Quốc liên tục điều tàu tuần tra hiện diện gần khu vực trong thời gian dài.
Lần áp sát nhóm đảo tranh chấp mới nhất của Trung Quốc diễn ra trong lúc đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản tranh luận về chính sách đối ngoại với Bắc Kinh.
Một nhóm nghị sĩ LDP hồi tuần trước kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe hủy chuyến thăm Nhật Bản cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các nghị sĩ này nói đề xuất hủy chuyến thăm nhằm phản đối Trung Quốc áp luật an ninh Hong Kong.
Chuyên gia Ankit Panda của Diplomat Risk Intelligence cho rằng việc điều tàu tuần tra tới quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong tính toán của Trung Quốc, diễn ra đồng thời với "thái độ gây hấn" của Bắc Kinh với hầu hết các nướng láng giềng trong khu vực.
"Giống như mọi khi, đây là nỗ lực liên tục của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền quanh nhóm đảo tranh chấp bằng cách làm cho sự hiện diện của nước này tại đây được chú ý. Tuy nhiên, Nhật Bản dường như sẽ không bị ảnh hưởng khi ra quyết định chiến lược cuối cùng", Panda nói.
Nguyễn Tiến (Theo Diplomat)