Lễ hạ thủy diễn ra tại nhà máy đóng tàu Hộ Đông - Trung Hoa ở thành phố Thượng Hải chiều 22/4, ngay trước ngày kỷ niệm 71 năm thành lập hải quân Trung Quốc. Hình ảnh từ flycam cho thấy mặt boong tàu vẫn chưa hoàn thiện.
Sau lễ hạ thủy, tàu đổ bộ Type-075 thứ hai được neo gần chiếc đầu tiên, vốn bị hư hại trong vụ cháy hôm 11/4.
Li Jie, chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, nhận định việc hai tàu sân bay trực thăng được hạ thủy chỉ cách nhau gần 8 tháng cho thấy Trung Quốc đã nắm được công nghệ đóng tàu đổ bộ cỡ lớn, cũng như các loại trực thăng triển khai trên chiến hạm này. "Quá trình đóng tàu diễn ra nhanh chóng, trong khi các hệ thống và trang bị liên quan dự kiến được lắp đặt trôi chảy sau khi hạ thủy", ông nói thêm.
Type-075 có lượng giãn nước đầy tải tới 40.000 tấn, lớn hơn nhiều mẫu tàu sân bay và tàu đổ bộ tấn công của các cường quốc trong khu vực. Trung Quốc lên kế hoạch đóng 3 tàu thuộc lớp Type-075, nhưng giữ bí mật về quá trình phát triển và chế tạo chúng.
Kích thước của Type-075 tương đương tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp của Mỹ, nhưng khả năng tác chiến của nó có thể bị giới hạn đáng kể do Trung Quốc không sở hữu máy bay có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) như F-35B và MV-22 Osprey.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Type-075 khó có thể được biên chế vào hải quân Trung Quốc trong thời gian ngắn. Là thế hệ tàu sân bay trực thăng nội địa đầu tiên của Trung Quốc, Type-075 sẽ phải trải qua nhiều năm thử nghiệm trong các điều kiện ngặt nghèo để bảo đảm khả năng vận hành.
Thủy thủ và phi công hải quân Trung Quốc cũng cần được huấn luyện chuyên sâu để thực hiện nhiệm vụ trên tàu sân bay trực thăng, loại vũ khí chưa từng xuất hiện trong lực lượng này.
Vũ Anh (Theo Sputnik)