"Một ngày tự hào và lịch sử của Ấn Độ khi chiến hạm Vikrant lên đường trong chuyến thử nghiệm trên biển hôm nay", phát ngôn viên hải quân Ấn Độ đăng trên Twitter ngày 4/8. "Đây là chiến hạm lớn và phức tạp nhất từng được thiết kế và chế tạo tại Ấn Độ".
Trong chuyến ra biển thử nghiệm đầu tiên này, tàu sân bay Vikrant sẽ được đánh giá chất lượng thân vỏ, hoạt động của động cơ chính, thiết bị hỗ trợ cùng các bộ phận khác.
Tàu sân bay INS Vikrant dự kiến ra biển thử nghiệm hồi đầu năm sau khi tiến trình chế tạo gần như hoàn thành với việc thử động cơ đẩy và thiết bị phát điện tại cảng năm ngoái. Tuy nhiên, lịch trình thử nghiệm bị hoãn do đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng tại Ấn Độ. Thời điểm chiến hạm được đưa vào vận hành chính thức cũng bị trì hoãn nhiều năm, mốc mới nhất là năm 2022.
Vikrant được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Kochin ở bang Kerala và là lá cờ đầu của "Sản xuất tại Ấn Độ", sáng kiến thúc đẩy các dự án nội địa với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và công nghệ chế tạo của nước này. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết chiến hạm Vikrant có tỷ lệ nội địa hóa hơn 76%.
Tàu sân bay Vikrant có lượng giãn nước 45.000 tấn, tốc độ tối đa khoảng 65 km/h, tầm hoạt động gần 14.000 km. Chiến hạm có kích thước tương đương tàu sân bay INS Vikramaditya, được chỉnh sửa từ tàu sân bay Baku thuộc lớp Kiev do Liên Xô chế tạo.
Vikrant sử dụng thiết kế kiểu cầu nhảy giống Vikramaditya và không có máy phóng. Tuy nhiên, Vikrant có một số cải tiến mới gồm khoang chuyên dụng phục vụ các nữ sĩ quan, mức độ tự động hóa được tăng lên đáng kể, hiệu suất máy móc, định vị và khả năng sống sót được cải thiện.
Động cơ tuabin khí của Vikrant giúp tăng độ tin cậy và an toàn so với chiến hạm Vikramaditya, vốn sử dụng công nghệ nồi hơi. Thang nâng vũ khí của Vikrant được lắp hai bên tháp chỉ huy để cải thiện khả năng vận chuyển máy bay từ khoang lên sàn cất hạ cánh.
Tàu sân bay Vikrant trang bị tổ hợp radar IAI Elta EL/M-2248 MF-STAR do Israel sản xuất. Chiến hạm còn được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không Rafael Berak 8 của Israel và tổ hợp phòng thủ tầm cực gần AK-630 của Nga.
Hải quân Ấn Độ đã vận hành tàu sân bay trong nhiều thập kỷ. Tên gọi Vikrant từng được đặt cho một tàu sân bay lớp Majestic của Ấn Độ, được cải hoán từ tàu sân bay Hercules của Anh. Chiến hạm này từng tham gia Chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971. Hải quân Ấn Độ giữa những năm 1980 vận hành tàu sân bay INS Viraat với tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng Sea Harrier.
Ấn Độ dự kiến hợp tác cùng Anh và Mỹ đóng tàu sân bay nội địa thứ hai mang tên INS Vishal với lượng giãn nước 65.000 tấn, lớn hơn đáng kể so với Vikrant. Vishal dự kiến được hoàn thành vào thập niên 2030, có thể sử dụng máy phóng điện từ (EMALS) sau khi Mỹ đồng ý chuyển giao công nghệ này cho Ấn Độ.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)