Trong cuộc họp chung giữa 4 Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Anh - Nhật đầu tháng này, Anh thông báo họ dự kiến triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Ấn Độ - Thái Bình Dương vào năm nay. Anh - Nhật cũng ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông, phản đối hành động đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực.
Hôm 4/1, hải quân Anh thông báo nhóm tác chiến HMS Queen Elizabeth đã đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu sơ bộ, tức là HMS Queen Elizabeth cùng phi đoàn tiêm kích tàng hình F-35B và trực thăng trên hạm, cũng như các chiến hạm hộ tống và tàu hậu cần, có thể sẵn sàng ra biển làm nhiệm vụ trong vòng 5 ngày kể từ khi có lệnh.
Chia sẻ với VnExpress, Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, cho rằng việc triển khai tàu Queen Elizabeth đến Biển Đông sẽ là một phần của xu hướng các quốc gia có chung chí hướng gia tăng sức ép đối với Trung Quốc. Ông nhắc đến việc năm 2018, tàu đổ bộ tấn công HMS Albion của Anh từng được triển khai đến Biển Đông.
Tàu Anh khi đó đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, Bộ Quốc phòng nước này khẳng định họ "thực hiện quyền tự do hàng hải". Trong khi đó, Trung Quốc tức tối nói rằng Anh "khiêu khích". Năm 2019, các tàu chiến của Anh và Mỹ cũng đã tiến hành 6 ngày diễn tập phối hợp ở Biển Đông.
HMS Queen Elizabeth là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử hải quân Anh, được đặt theo tên Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Nó được khởi đóng từ năm 2009 với chi phí lên tới 4,2 tỷ USD. Con tàu có diện tích mặt boong 16.000 m2, gấp 2,5 lần sân vận động Wembley. Chiến hạm có khả năng chở tối đa 36 máy bay F-35B và 4 trực thăng cảnh báo sớm Crowsnest. Nó có thể được bổ sung tới 12 trực thăng Chinook hoặc Merlin và 8 trực thăng tấn công AH-64 Apache. Lực lượng tiêm kích F-35B trên tàu hiện nay thuộc biên chế Phi đoàn tiêm kích số 211 thủy quân lục chiến Mỹ.
Bộ Quốc phòng Anh hồi tháng 10/2020 khoe thành phần nhóm tác chiến tàu sân bay, cho biết HMS Queen Elizabeth nằm ở trung tâm lực lượng gồm 9 chiến hạm, 15 tiêm kích, 11 trực thăng và 3.000 binh sĩ từ Anh, Mỹ và Hà Lan. "Nhóm tác chiến này là lực lượng hải quân lớn và mạnh nhất do một nước châu Âu chỉ huy trong gần 20 năm qua", hải quân Anh cho hay.
Năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã nói rằng chuyến triển khai làm nhiệm vụ đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ bao gồm Biển Đông. "Anh là một cường quốc toàn cầu với lợi ích toàn cầu thực sự. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để cạnh tranh vì lợi ích và giá trị của chúng ta ở rất xa quê hương", ông nói.
Tàu sân bay sẽ đưa lực lượng máy bay chiến đấu tàng hình F-35 tối tân đến một khu vực mà "Trung Quốc đang phát triển năng lực quân sự hiện đại và sức mạnh thương mại của mình", Williamson nói thêm.
Trung Quốc đã thể hiện sự dè chừng trước kế hoạch triển khai của Anh. Từ trước khi Anh thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay sẵn sàng chiến đấu hôm 4/1, các quan chức quân sự Trung Quốc đã cảnh báo London "không can thiệp vào khu vực" và cảnh báo "sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết".
"Chúng tôi tin Biển Đông không nên trở thành chiến trường cho sự cạnh tranh của các cường quốc hoặc một vùng biển đầy tàu chiến", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói hôm 31/12.
Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales của Australia, nhận định chính quyền Boris Johnson muốn đóng vai trò lớn hơn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương hậu Brexit. Anh có lợi ích quan trọng trong việc giữ cho các tuyến đường biển ở Biển Đông tự do và rộng mở. Anh đã bày tỏ quan tâm đến việc tham gia Diễn đàn Đối thoại An ninh 4 bên (Quad) với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Ông đánh giá các tàu chiến của hải quân Ấn Độ, Pháp, Australia và Mỹ có thể tham gia cùng tàu sân bay Anh trong đợt triển khai. "Việc triển khai tàu HMS Queen Elizabeth sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng Anh sẵn sàng tham gia một liên minh ngày càng tăng các quốc gia chung chí hướng để đẩy lùi yêu sách phi pháp của Trung Quốc nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không", Thayer nói.
"Anh cho thấy rằng nếu cần thiết, họ sẽ điều các lực lượng chiến đấu của hải quân đến khu vực để hỗ trợ và cùng nhau chiến đấu vì các mục tiêu chung với các quốc gia cùng chí hướng như Quad và các nước khác", phó đô đốc Yoji Koda, cựu tư lệnh Hạm đội Phòng vệ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, nói.
Ông chỉ ra rằng để triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông, Anh cần hỗ trợ hậu cần từ các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản và Australia. Việc triển khai HMS Queen Elizabeth là một màn trình diễn tốt để chứng minh khả năng hậu cần của các quốc gia này.
Theo Yoji, điều cần chú ý nhất là nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth không chỉ bao gồm lực lượng của Anh mà còn có Mỹ (một tàu khu trục và phi đoàn F-35B). Còn có khả năng lớn rằng nhóm tác chiến có thêm sự tham gia của hải quân Đức.
Tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã trả lời truyền thông Nhật Bản rằng Đức sẽ điều một tàu hộ vệ đến Nhật Bản trong năm nay. "Nếu một tàu hộ vệ của hải quân Đức gia nhập nhóm tác chiến HMS Queen Elizabeth, đây sẽ là thông điệp mạnh mẽ hơn nhiều với Trung Quốc, bởi Đức từ lâu đã là đối tác kinh tế thân thiết nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Vì vậy, về cơ bản, Đức đã giữ bình tĩnh và im lặng trong các vấn đề an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng lần này có thể khác", ông Yoji nói.
Phó đô đốc Nhật cho rằng kịch bản Đức tham gia nhóm tác chiến HMS Queen Elizabeth "rất có khả năng xảy ra". "Nếu vậy, nhóm tác chiến HMS Queen Elizabeth không còn chỉ là khí tài chiến đấu của Anh mà là của NATO. Đây là điểm quan trọng cần được nhấn mạnh", ông khẳng định.
Cuối năm ngoái, NATO ra báo cáo, gọi sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc là mối đe dọa đối với liên minh. "Trung Quốc có một chương trình chiến lược ngày càng lan tỏa mạnh ra toàn cầu, được hỗ trợ bởi sức mạnh kinh tế và quân sự. Nước này đã chứng tỏ họ sẵn sàng sử dụng vũ lực chống lại các nước láng giềng, cũng như cưỡng ép kinh tế và ngoại giao vượt cả ra ngoài khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", báo cáo có đoạn viết.
Kế hoạch Anh triển khai tàu sân bay đến Biển Đông là "điều rất hữu ích vì nó báo hiệu cho thế giới rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là vấn đề đối với tất cả các bên, không chỉ các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn và Mỹ", Poling nói.
Phương Vũ