Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cùng hai người đồng nhiệm Anh Dominic Raab và Ben Wallace ngày 3/2 ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông, phản đối hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng. Họ khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, hạn chế các hoạt động có khả năng gia tăng căng thẳng.
"Đây là thông điệp rõ ràng cho các đồng minh cũng như Trung Quốc rằng Nhật - Anh sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong thời kỳ hậu Brexit. Cả Nhật và Anh đều là đồng minh của Mỹ", Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales của Australia, nói với VnExpress.
Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nhận định tuyên bố chung được xây dựng dựa trên các tín hiệu khác gần đây, bao gồm các công hàm mà Anh và Nhật đã gửi liên quan đến yêu sách Biển Đông của Trung Quốc. Hai nước gần đây cũng gia tăng hiện diện ở Biển Đông.
Hồi tháng 9/2020, ba nước Anh, Pháp, Đức cũng gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc, phản bác những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Ba nước nhấn mạnh Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là "khuôn khổ pháp lý" cho mọi hoạt động trên biển và cần được duy trì tính toàn vẹn.
Hôm 19/1, Nhật Bản gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc, tuyên bố việc Trung Quốc đơn phương vẽ đường cơ sở cho thực thể ở Biển Đông là trái luật pháp quốc tế. Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích Biển Đông đã bị bác bỏ trong phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016.
Phó đô đốc Yoji Koda, cựu tư lệnh Hạm đội Phòng vệ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cho biết Tokyo giữ quan điểm trung lập đối với tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tuy nhiên, Nhật Bản không chấp nhận yêu sách Trung Quốc đơn phương vẽ ra cũng như các hành động quyết liệt của nước này ở Biển Đông.
Nhật Bản gần đây đã điều khu trục hạm đến Biển Đông hoặc đi qua khu vực này để tới Trung Đông trong các nhiệm vụ chống cướp biển và thu thập thông tin tình báo. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) đã ghé thăm cảng một số quốc gia ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Các đơn vị JMSDF đến thăm thường tiến hành các cuộc diễn tập hải quân thiện chí và hữu nghị với hải quân nước sở tại. Dù quy mô các cuộc diễn tập này khá nhỏ, tần suất tổ chức lên đến khoảng 10 lần một năm.
Ngoài ra, JMSDF đã cử một đơn vị tàu nổi (2-3 tàu khu trục) đến Biển Đông và Ấn Độ Dương để tiến hành các cuộc diễn tập quốc tế với hải quân một số nước trong khu vực, trong đó có những cuộc diễn tập chung với Mỹ. Ông Yoji cho rằng động thái này cho các quốc gia trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, thấy rõ sức mạnh liên minh vững chắc của Mỹ - Nhật.
"Nhật Bản cho rằng một loạt hoạt động triển khai của JMSDF tại Biển Đông là tín hiệu mạnh mẽ và rõ ràng đến Trung Quốc, để nói lên lập trường và quyết tâm của Tokyo là không chấp nhận chủ nghĩa phiêu lưu của Bắc Kinh ở Biển Đông", ông Yoji nói.
Phó đô đốc Nhật cũng chỉ ra Anh đã là quốc gia "ngoài lề" châu Á kể từ khi rút quân khỏi phía đông kênh đào Suez vào năm 1971 và bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997. Anh sau đó chỉ duy trì ảnh hưởng về chính trị và ngoại giao tại khu vực. Dù vậy, không nên đánh giá thấp sự đóng góp phi quân sự này của London, đặc biệt là một số hành động của Anh tại Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, ông Yoji cho rằng đóng góp quân sự của Anh trong nhiều cuộc khủng hoảng an ninh đã bị hạn chế kể từ khi Anh rút khỏi khu vực. Xu hướng này tăng tiến trong "thời kỳ trăng mật" kinh tế Anh - Trung dưới thời của Thủ tướng David Cameron vào khoảng năm 2015. Trong thời kỳ đó, quan hệ Anh - Trung đạt đến đỉnh cao và điều này được thể hiện rõ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tiếp đón long trọng trong lần đầu thăm Anh năm 2015.
Tuy nhiên, những động thái quyết liệt gần đây của Trung Quốc đã làm thay đổi quan điểm của London đối với Bắc Kinh. Nội các của Thủ tướng Boris Johnson đang có lập trường với Trung Quốc cứng rắn và rõ ràng hơn nhiều so với trước đây.
Ông Thayer nhận định rằng hậu Brexit, chính quyền Johnson muốn Anh đóng một vai trò toàn cầu, ưu tiên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì tầm quan trọng về thương mại và các mối liên kết kinh tế khác. Do đó, Anh có lợi ích quan trọng trong việc giữ cho các tuyến hàng hải qua Biển Đông tự do và rộng mở.
Anh đã bày tỏ quan tâm đến việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như Diễn đàn Đối thoại An ninh 4 bên (Quad) với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Theo Thayer, các tàu chiến của Anh có thể sẽ đến thăm khu vực thường xuyên hơn và diễn tập với các quốc gia ven biển thân thiện. Năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Australia đã hoan nghênh các đối tác có năng lực quân sự như Anh triển khai thêm lực lượng tới khu vực.
Trong những năm gần đây, Hải quân Anh đã điều các tàu chiến lớn đi qua Biển Đông để thể hiện cam kết của London đối với tự do hàng hải. Anh đã nhiều lần gợi ý rằng họ sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông.
"Anh sẽ nhấn mạnh lợi ích quốc gia của mình bằng cách điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, chiến hạm lớn và mạnh nhất trong biên chế, đến Ấn Độ Dương và Biển Đông. Có thể các tàu chiến của hải quân Ấn Độ, Pháp, Australia và Mỹ sẽ tham gia cùng nó trong hành trình và diễn tập với tàu này", Thayer nhận định.
"Tuyên bố gần đây giữa Nhật và Anh được xây dựng dựa trên lập trường mới của chính quyền Anh và làm rõ quan điểm của hai quốc gia đối với Trung Quốc", ông Yoji nhận định. "Họ gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng cả Nhật và Anh đều không chấp nhận các hành động đơn phương, tự cho là đúng, hăm dọa các quốc gia khác trong khu vực của Trung Quốc. Hai quốc gia sẽ cùng ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc trong khu vực".
"Tôi hy vọng Anh - Nhật sẽ tiếp tục tìm cách gia tăng sức ép đối với Trung Quốc, phối hợp với các quốc gia có chung chí hướng khác, điều đó sẽ bao gồm các hoạt động triển khai lực lượng vừa phải ở Biển Đông", Polling nói.
Phương Vũ