Các điều tra viên Mỹ đến nay vẫn chưa xác định được tàu ngầm USS Connecticut va phải vật thể gì dưới nước ở Biển Đông trong vụ va chạm ngày 2/10. Tuy nhiên, dựa trên hình ảnh vệ tinh, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng tàu ngầm hạt nhân Mỹ có thể đã đối đầu với thứ gì đó trong lòng biển.
Ảnh vệ tinh do hãng Planet chụp ngày 20/10 cho thấy một tàu ngầm có thể là USS Connecticut đang neo đậu tại cảng Guam. Giới chuyên gia ban đầu cho rằng phía trên mũi tàu và vòm thủy âm không có dấu hiệu hư hại, nhưng một cựu sĩ quan tàu ngầm Mỹ sau đó nhận định mũi tàu đã được tháo bỏ và hệ thống định vị thủy âm (sonar) của USS Connecticut đang ngâm dưới nước biển.
"Chỉ có mũi tàu hư hỏng, trong khi đài chỉ huy và thân tàu không có dấu hiệu bị nứt. Gần như chắc chắn USS Connecticut đã đâm trực diện với thứ gì đó, khiến phần mũi hỏng nặng và ảnh hưởng tới sonar. Con tàu về cơ bản đã bị mù khi lặn và phải nhanh chóng đình chỉ nhiệm vụ", chuyên gia quân sự Antony Wong Tong ở Macau, Trung Quốc nêu quan điểm.
Tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Viện Nghiên cứu Đại dương Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, hồi giữa tháng công bố ảnh vệ tinh độ phân giải thấp chụp hôm 3/10, một ngày sau vụ va chạm, cho thấy tàu ngầm nghi là USS Connecticut di chuyển ở trạng thái nổi cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 80 km về phía đông nam. Hoàng Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và xây dựng nhiều công trình quân sự.
Wong cho rằng vụ va chạm có thể xảy ra gần các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại Hoàng Sa, trong những khu vực tàu chiến Mỹ hay tiến vào để thực thi quyền tự do hàng hải.
"Hoạt động của tàu ngầm nhạy cảm hơn nhiều so với tàu mặt nước, buộc hải quân Mỹ che giấu hoạt động của USS Connecticut và tránh đánh động phía Trung Quốc. Tàu ngầm Mỹ có thể ở dưới nước lâu như vậy cho thấy hư hại không quá nghiêm trọng", ông nói thêm.
Chuyên gia quân sự Lý Kiệt ở Bắc Kinh cho rằng bức ảnh vệ tinh của SCSPI chứng tỏ hải quân Trung Quốc có thể nắm được hành trình của tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông, nhưng không biết biết về vụ va chạm cho đến khi hải quân Mỹ công bố thông tin.
"Hư hại của tàu ngầm Mỹ có thể bắt nguồn từ vật thể nhỏ như tàu lặn không người lái, chứ không phải một tàu ngầm cỡ lớn khác. Sự cố này là lời nhắc nhở hải quân Trung Quốc cần củng cố năng lực giám sát dưới lòng biển", Lý Kiệt nói.
Hải quân Mỹ đang mở hai cuộc điều tra liên quan vụ va chạm, cho biết lò phản ứng hạt nhân và không gian bên trong tàu ngầm Connecticut "làm đủ công năng và không bị ảnh hưởng". Hai quan chức quốc phòng Mỹ ngày 27/10 cho biết USS Connecticut đã bị hỏng bể dằn phía trước mũi.
Vụ va chạm có thể gây thiệt hại kinh tế rất lớn và ảnh hưởng tới năng lực tác chiến của hải quân Mỹ, do USS Connecticut là một trong ba chiếc thuộc lớp Seawolf, loại tàu ngầm tấn công đắt nhất thế giới với chi phí ước tính tới 8,5 tỷ USD/chiếc.
Quyền Thứ trưởng Hải quân Mỹ phụ trách nghiên cứu, phát triển và mua sắm Jay Stefany hôm qua cảnh báo sửa chữa USS Connecticut ở nhà máy thuộc sở hữu chính phủ sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn, gián đoạn toàn bộ công việc, do các cơ sở này đang quá tải với sửa chữa tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và tàu sân bay. Trong khi đó, Guam không có cơ sở hạ tầng và nhân lực để sửa chữa tàu ngầm.
Vũ Anh (Theo SCMP)