Sự chênh lệch về khối lượng riêng của nước biển giữa khu vực ngoài khơi đảo Bali và eo biển Lombok gần đó có thể đã tạo ra một đợt sóng ngầm lớn đủ mạnh để kéo tàu ngầm KRI Nanggala xuống đáy biển trong vài giây, các sĩ quan hải quân Indonesia cho biết.
Hiện tượng này còn được gọi là "sóng nội", xuất hiện trong lòng biển thay vì trên bề mặt. Chúng xuất hiện khi có sự thay đổi trong khối lượng riêng giữa các vùng biển khác nhau, tùy thuộc vào nhiệt độ hay độ mặn. Khi khối lượng riêng của nước biển liên tục thay đổi, "sóng nội" sẽ hình thành từng đợt cuộn xuống đáy theo chiều thẳng đứng với biên độ lớn, có thể cuốn tàu ngầm đang lặn xuống phía dưới.
"Sóng nội" thường xuất hiện ở Biển Đông với kích thước khá lớn, hình thành từng nhóm, kéo dài hàng trăm km với bước sóng lên đến hàng chục km, theo nghiên cứu của Ủy ban Hải dương Toàn cầu của hải quân Mỹ.
Chuẩn đô đốc Iwan Isnurwanto, hiệu trưởng Trường Sĩ quan Tham mưu và Chỉ huy Hải quân, nói vệ tinh thời tiết Himawari 8 của Nhật Bản chụp được ảnh cho thấy dấu hiệu của "sóng nội" ở khu vực xung quanh tàu ngầm Nanggala khi nó gặp nạn hôm 21/4.
"Thủy thủ đoàn chẳng có thời gian để làm bất cứ điều gì nếu tàu ngầm bị sóng nội như vậy kéo xuống. Tàu ngầm có thể đột ngột chúi xuống, khiến thủy thủ bị ngã lăn về một góc", chuẩn đô đốc Isnurwanto nói trong cuộc họp báo tại Bộ Tư lệnh Hải quân Indonesia ở Jakarta hôm 27/4. "Chúng tôi vẫn phải điều tra thêm, nhưng đó rất có thể là những gì đã xảy ra".
Với dòng nước cực mạnh cuốn xuống dưới, sóng nội được coi là mối đe dọa lớn với các công trình hàng hải và tàu ngầm. Hiện tượng này còn gây ra rủi ro cao cho các giàn khoan dầu ngoài khơi.
Các quan chức hải quân Indonesia cho biết sẽ phải tiến hành thêm nhiều cuộc khảo sát để phát hiện các sóng nội ở các vùng biển ngoài khơi nước này, nhằm tránh các sự cố tương tự với tàu ngầm trong tương lai.
Giới chức hải quân Indonesia đã bác bỏ một số giả thuyết về nguyên nhân tàu ngầm Nanggala gặp nạn, bao gồm bảo dưỡng kém, lỗi của thủy thủ đoàn, đồng thời phủ nhận tin đồn vô căn cứ trên mạng xã hội rằng chiến hạm này bị tàu nước ngoài đánh chìm.
Họ cho hay sẽ không đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân sự cố cho tới khi trục vớt được xác tàu ngầm, nhưng quá trình này có thể mất rất nhiều thời gian.
KRI Nanggala mang số hiệu 402 là một trong hai tàu ngầm thuộc lớp Cakra, biến thể Type 209/1300, do Đức chế tạo với lượng choán nước 1.400 tấn khi lặn. Hải quân Indonesia biên chế Nanggala năm 1981, nó sau đó được đại tu tại Hàn Quốc và tiếp tục phục vụ từ năm 2012.
Muhammad Ali, trợ lý tham mưu trưởng hải quân Indonesia, cho biết tàu ngầm Nanggala được kiểm tra thường xuyên, lần gần nhất vào cuối năm 2020. Các chuyên gia đánh giá Nanggala đủ khả năng ra khơi tuần tra đến hết tháng 9/2022.
Ali khẳng định toàn bộ thủy thủ đoàn trên Nanggala đều được đào tạo bài bản và tàu không chở quá tải. Thông số kỹ thuật cho biết Nanggala có sức chứa 33 người, song Ali cho biết đây là số giường trên tàu và các tàu ngầm của Indonesia thường chở hơn 50 người khi ra khơi.
"Tin đồn cho rằng Nanggala bị tàu nước ngoài đánh chìm là thái quá", Ali nói. "Khi xảy ra sự cố, có nhiều tàu nổi của chúng tôi trên mặt biển, chúng được trang bị thiết bị thủy âm và có thể phát hiện được các vụ nổ".
Nanggala liên lạc lần cuối với sở chỉ huy vào 3h ngày 21/4 để xin phép lặn xuống biển, sau đó mất liên lạc hoàn toàn từ 4h30. Tín hiệu cuối cùng từ con tàu được phát hiện từ độ sâu khoảng 840 m, vượt quá giới hạn lặn của con tàu.
Hải quân Indonesia với sự hỗ trợ của tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue của Singapore ngày 25/4 phát hiện nhiều mảnh vỡ lớn ở độ sâu 840 m. Nanggala được cho đã vỡ làm ba phần, hải quân Indonesia xác định toàn bộ 53 người trên tàu đã thiệt mạng.
Nguyễn Tiến (Theo Nikkei)