"Trong khi các thủy thủ tàu ngầm KNI Nanggala của chúng ta đang tuần tra vĩnh cửu, nỗi xót thương của chúng ta sẽ không mang nhiều ý nghĩa nếu không cải tiến các hệ thống quốc phòng, trong đó có quá trình mua sắm tàu ngầm, tàu chiến, máy bay hay xe tăng", ban biên tập tờ Jakarta Post của Indonesia viết trong bài xã luận hôm nay, đề cập tới tai nạn tàu ngầm bi thảm của nước này.
Thuật ngữ "tuần tra vĩnh cửu" được truyền thông Indonesia sử dụng rộng rãi sau khi hải quân Indonesia ngày 25/4 thông báo phát hiện xác tàu Nanggala bị vỡ làm ba nằm ở độ sâu hơn 800 m ngoài khơi đảo Bali. Đây cũng là từ được dùng để chỉ ít nhất 20 tàu ngầm gặp nạn trên thế giới trong thập kỷ qua, những chiến hạm không bao giờ bị loại biên dù đã nằm lại dưới đáy biển.
Hải quân các nước trên thế giới sử dụng thuật ngữ "tuần tra" để chỉ hoạt động điều tàu ngầm ra biển làm nhiệm vụ. Một đợt triển khai chiến đấu của tàu ngầm được gọi là "tuần tra tác chiến", trong khi các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ hoặc Nga thường tiến hành sứ mệnh "tuần tra răn đe" trong lòng đại dương.
Những cuộc tuần tra như vậy bắt đầu khi tàu ngầm rời cảng và kết thúc khi nó quay về. Do vậy, khi một tàu ngầm bị đắm và không thể quay về, đợt triển khai sẽ được gọi là "tuần tra vĩnh cửu". Những tàu ngầm đó không bao giờ bị loại khỏi biên chế hải quân, dù chúng có thể vĩnh viễn chìm dưới đáy biển.
Mỹ có riêng một website liệt kê những tàu ngầm "tuần tra vĩnh cửu" từ năm 1915 tới nay. Danh sách này cho thấy hải quân Mỹ đã mất 65 tàu ngầm trong hơn 100 năm qua, trong đó vụ gần đây nhất là tàu ngầm hạt nhân USS Scorpion bị đắm năm 1968, khiến 99 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.
Nhiều tàu ngầm của hải quân các nước khác cũng bị đắm sau khi Thế chiến II kết thúc, bao gồm 5 tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô và tàu ngầm Kursk của Nga.
Hai vụ tai nạn tàu ngầm gần đây nhất là vụ chìm tàu ARA San Juan của hải quân Argentina khiến 44 người chết ở phía nam Đại Tây Dương và vụ chìm tàu KRI Nanggala của Indonesia ngoài khơi đảo Bali, khiến 53 người chết.
Tàu ngầm KRI Nanggala mang số hiệu 402 của Indonesia liên lạc lần cuối với sở chỉ huy vào 3h ngày 21/4 để xin phép lặn xuống biển, sau đó mất liên lạc hoàn toàn từ 4h30. Hải quân Indonesia xác định toàn bộ 53 người trên tàu đã thiệt mạng.
Hải quân Indonesia cho hay sẽ không đưa ra kết luận về nguyên nhân sự cố cho tới khi trục vớt được xác tàu ngầm, nhưng quá trình này có thể mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, lực lượng này đã loại trừ lỗi do con người, cho hay mọi quy trình đều được tuân thủ khi con tàu lặn xuống.
Nguyễn Tiến (Theo WATM)