Trung tá Mark Langford, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cho biết tàu khu trục USS Zumwalt cập cảng ở Tokyo, Nhật Bản ngày 26/9.
Hải quân Mỹ cũng ra tuyên bố cho hay USS Zumwalt được phân vào đội hình Hải đội Khu trục 15, đơn vị khu trục hạm lớn nhất bên ngoài nước Mỹ. Hải đội này đóng quân tại căn cứ hải quân Yokosuka, gần Tokyo.
USS Zumwalt "đóng vai trò không thể thiếu trong duy trì lợi thế cạnh tranh của Mỹ và trấn an các đồng minh, đối tác của chúng tôi trong khu vực", đại úy Katherine Serrano, phát ngôn viên Hải đội Khu trục 15, cho hay.
Hải quân Mỹ hôm 19/9 thông báo tàu khu trục USS Zumwalt đã lần đầu cập cảng Guam trong đợt triển khai đến châu Á và chiến hạm này sẽ "tiếp tục hoạt động nhằm ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Đây là chuyến triển khai xa nhất của USS Zumwalt kể từ khi được biên chế cho hải quân Mỹ.
USS Zumwalt là chiếc đầu tiên trong lớp ba tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đa nhiệm mà hải quân Mỹ nói sẽ khiến các đối thủ gặp khó khăn khi đối đầu. Dài 185 mét và lượng giãn nước lên tới 16.000 tấn, Zumwalt là "tàu chiến trên mặt nước lớn nhất và có công nghệ tiên tiến nhất thế giới", theo hải quân Mỹ.
Mỹ cuối năm 2021 thông báo sẽ hoán cải tàu Zumwalt để trang bị tên lửa siêu vượt âm tầm trung IRCPS vào năm 2024. Bệ phóng tên lửa sẽ được lắp vào vị trí Hệ thống Pháo Tiên tiến (AGS).
Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ hồi tháng 9/2020 cho biết mỗi tàu lớp Zumwalt có giá hơn 9 tỷ USD, bao gồm cả chi phí nghiên cứu phát triển, so với mức giá dự kiến 1,3 tỷ USD/chiếc hồi năm 1998. Cơ quan này đánh giá lớp Zumwalt chỉ có thể đạt khả năng làm nhiệm vụ đầy đủ sớm nhất là sau năm 2025.
Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nhận định trước khi Zumwalt được trang bị tên lửa siêu vượt âm, sự hiện diện của khu trục hạm tàng hình này ở châu Á mang tính "chính trị hơn là quân sự".
Thanh Tâm (Theo CNN)