"Hoạt động tự do hàng hải này nhằm ủng hộ các quyền, tự do đi lại và sử dụng các vùng biển một cách hợp pháp, được công nhận trong luật quốc tế", Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ cho biết trong một thông báo, xác nhận tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John McCain hoạt động gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm nay.
Động thái này diễn ra sau khi quân đội Mỹ hồi tuần trước cảnh báo họ sẽ "kiên quyết hơn" trong việc đối đầu với Trung Quốc. Mục tiêu này nằm trong tài liệu định hướng hoạt động cho hải quân, thủy quân lục chiến và lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ trong năm 2021.
Mỹ gần đây điều tàu tới Biển Đông thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải thường xuyên hơn, nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực.
Trong tuyên bố về hoạt động của USS John McCain, Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết "những yêu sách hàng hải bành trướng và bất hợp pháp tại Biển Đông đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và tự do về cơ hội kinh tế cho các quốc gia liên quan".
Việt Nam từng nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang dồn lực "giáng đòn" lên Trung Quốc trong những tuần cuối nhiệm kỳ, sau một năm căng thẳng và quan hệ song phương bên bờ vực "Chiến tranh Lạnh mới" do một loạt vấn đề như Covid-19, Hong Kong, Đài Loan hay Biển Đông. Theo giới phân tích, chiến lược này nhằm "trói tay" Tổng thống đắc cử Joe Biden trong chính sách với Trung Quốc, khiến ông không còn lựa chọn nào ngoài việc tiếp tục cứng rắn với Bắc Kinh.
Ánh Ngọc (Theo AFP, SCMP)