DVIDS, chuyên trang cung cấp thông tin qua hình ảnh thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, hôm nay đăng ảnh USS Ralph Johnson, khu trục hạm lớp Arleigh Burke trang bị tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ, di chuyển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo chú thích, USS Ralph Johnson được triển khai nhằm tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải, góp phần vào nỗ lực hợp tác an ninh vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Liveuamap, chuyên trang theo dõi các điểm nóng trên thế giới, đăng bản đồ tàu Ralph Johnson xuất hiện trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Châu Viên và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép và xây dựng các tiền đồn phi pháp.
Các tiền đồn này được cho là đã được quân sự hóa ở mức cao, nhằm phục vụ mục đích kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc và hạn chế những hoạt động như của khu trục hạm Mỹ trong khu vực.
Động thái này diễn ra ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc về Biển Đông. Đây được coi là bước ngoặt chính sách lớn, đặt nền móng cho những hành động cứng rắn hơn của Washington trong tương lai.
"Chúng tôi đang củng cố chính sách của Mỹ đối với các tuyên bố hàng hải tại Biển Đông theo luật quốc tế, bác bỏ hành vi đe dọa, bắt nạt, cũng như những yêu sách kiểm soát hàng hải của Trung Quốc", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề cập tới tuyên bố trên Twitter.
Mỹ gần đây tăng cường hiện diện tại Biển Đông, như việc triển khai hai tàu sân bay cùng tham gia diễn tập trùng thời điểm Trung Quốc tổ chức tập trận phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các tàu chiến, máy bay quân sự Mỹ cũng hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông ngày càng nhiều.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã ra thông điệp phản đối tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, cho rằng cáo buộc từ phía Washington đối với nước này là "hoàn toàn phi lý", đồng thời chỉ trích Mỹ "can thiệp vào vấn đề Biển Đông" dù không phải là quốc gia liên quan trực tiếp đến các tranh chấp.
Giới phân tích cho rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn xung đột nổ ra trên Biển Đông. Tuy nhiên, nguy cơ này đang tăng lên nhanh chóng do một loạt vấn đề căng thẳng giữa hai nước, như Covid-19, Hong Kong, thương mại, an ninh mạng. Do đó, nguy cơ nổ ra đụng độ giữa hai cường quốc trong tương lai gần không phải là không thể xảy ra.
Ánh Ngọc (Theo DVIDS)