Tàu căn cứ tiền phương Makran và tàu hộ vệ tên lửa Sahand của hải quân Iran lần đầu vượt mũi Hảo Vọng ở phía nam châu Phi hôm 4/6, tiếp tục hành trình vượt Đại Tây Dương để đến Venezuela, quan chức quốc phòng Mỹ am hiểu vấn đề cho hay.
Đây là lần đầu lực lượng hải quân Iran hiện diện trên Đại Tây Dương. Tehran từng nhiều lần cảnh báo sẽ cử tàu chiến đến Tây bán cầu, nhưng đã hủy bỏ các nhiệm vụ như vậy. Giới chức Mỹ chưa tỏ rõ lo ngại, do biên đội Makran và Sahand vẫn có thể đình chỉ nhiệm vụ và quay đầu về Iran, nhất là sau vụ cháy tàu tiếp vận Kharg lớn nhất biên chế nước này.
Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhóm tàu Iran sẽ hủy nhiệm vụ. Chuyến vượt Đại Tây Dương và đến Venezuela thành công sẽ là màn phô diễn năng lực hải quân Iran, đồng thời mang lại chỗ đứng cho Tehran ở khu vực được coi là sân sau của Washington.
Mục đích chính xác của biên đội tàu Makran và Sahand chưa được công bố. Ảnh vệ tinh ngày 28/4 cho thấy tàu Makran chở theo 7 xuồng tấn công cao tốc trên boong. Các quan chức Bộ ngoại giao Iran ngày 31/5 khẳng định quyền được hoạt động trên toàn thế giới của hải quân nước này khi được hỏi khả năng tàu Makran sẽ đến Venezuela.
Makran được hoán cải từ tàu chở dầu, là tàu mới và lớn nhất của hải quân Iran, đóng vai trò gần giống các tàu Căn cứ Viễn chinh Trên biển của hải quân Mỹ. Tàu dài khoảng 230 m, có thể trở thành căn cứ di động trên biển cho tàu thuyền và máy bay cỡ nhỏ với khả năng hoạt động trên toàn thế giới. Makran có một sàn đáp lớn, có thể mang theo xuồng tấn công và các thiết bị bổ sung nằm bên dưới.
Sahand thuộc lớp tàu chiến Moudge do Iran tự phát triển, được biên chế hồi tháng 12/2018. Tehran gọi đây là "tàu khu trục", nhưng giới chuyên gia cho rằng kích thước và vũ khí của chúng nằm trong nhóm tàu hộ vệ hạng nhẹ.
Tàu dài 95 m, rộng 11 m, có lượng giãn nước 2.000 tấn và được ứng dụng một số công nghệ tàng hình trước radar đối phương. Sahand được trang bị 4 tên lửa chống hạm Qader có tầm bắn trên 200 km, tên lửa phòng không tầm xa Sayyad-2, hải pháo đa dụng 76 mm và pháo tự động 40 mm cùng 6 ngư lôi.
Các quan chức Mỹ tin rằng tàu hải quân Iran tới Venezuela thể hiện Caracas và Tehran đang tăng cường hợp tác quân sự.
Chưa rõ số xuồng cao tốc trên tàu Makran nằm trong hoạt động chuyển giao vũ khí cho Venezuela, hay sẽ tham gia cuộc diễn tập giữa hải quân hai nước. Nếu số xuồng tấn công cao tốc được chuyển giao, chúng có thể trở thành nòng cốt cho lực lượng tác chiến phi đối xứng của quân đội Venezuela nhằm đối đầu với các lực lượng hải quân có ưu thế hơn.
Đợt triển khai tàu Makran và Sahand diễn ra trong bối cảnh Iran và Venezuela đang xích lại gần nhau. Cả hai nước đều chịu trừng phạt từ Mỹ và bị hạn chế tiếp cận thị trường toàn cầu.
Vũ Anh (Theo Politico)