"Chúng tôi đang thể hiện sự gắn kết với luật pháp quốc tế và quyền tự do đi lại trong khu vực thông qua hoạt động của hải quân Pháp. Điều này được phản ánh thông qua sự hiện diện của các tàu hải quân như Dupuy de Lome ở eo biển Đài Loan", Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly nói hôm 12/10 trong cuộc điều trần tại Thượng viện Pháp.
Phát biểu được đưa ra sau khi nghị sĩ Olivier Cadic, người vừa trở về từ Đài Loan, đặt câu hỏi về cách Pháp thể hiện sự sẵn sàng trong bảo vệ quyền tự do hàng hải quanh hòn đảo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Parly không cho biết thời điểm tàu do thám Dupuy de Lome đi qua eo biển Đài Loan. Con tàu được triển khai tới Thái Bình Dương từ tháng 5, cập cảng Guam vào tháng 8 và rời quân cảng Sasebo ở Nhật Bản hôm 1/10.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết và phản đối tàu chiến nước ngoài đi qua eo biển, trong khi Mỹ và nhiều quốc gia xem tuyến đường này là vùng biển quốc tế.
Tàu chiến Mỹ thường xuyên di chuyển qua eo biển Đài Loan để thực hiện quyền tự do hàng hải, trong khi các đồng minh của Washington hiếm khi thực hiện hoạt động tương tự. Pháp từng điều tàu hải quân qua eo biển Đài Loan, nhưng thường sử dụng tàu hộ vệ tên lửa, thay vì tàu do thám như Dupuy de Lome.
Được biên chế từ tháng 4/2006, Dupuy de Lome trang bị nhiều hệ thống thu thập dữ liệu tình báo tín hiệu (SIGINT), cảnh báo chiếu xạ radar và liên lạc vệ tinh. Nó có thể phân tích và xác định vị trí các tổ hợp radar đối phương, cũng như chặn thu dữ liệu từ các hệ thống liên lạc.
Tàu dài 102 m, rộng 16 m, có lượng giãn nước đầy tải 3.600 tấn và tầm hoạt động 6.300 km. Thủy thủ đoàn trên tàu gồm 30 người, cùng tối đa 78 kỹ thuật viên vận hành các hệ thống do thám. Con tàu chỉ được trang bị hai súng máy cỡ nòng 12,7 mm để tự vệ, đòi hỏi Pháp triển khai tàu chiến bảo vệ trong những nhiệm vụ gần khu vực chiến sự.
Vũ Anh (Theo Naval News)