"Tàu khu trục USS Arleigh Burke tiến vào Biển Đen để làm nhiệm vụ tuần tra thông thường hôm 25/11. Chiến hạm sẽ hoạt động bên cạnh lực lượng NATO và các đối tác khu vực nhằm bảo đảm an ninh, ổn định với tuyến hàng hải quốc tế quan trọng này", Hạm đội 6 hải quân Mỹ ra thông cáo cho biết.
Hải quân Mỹ cho biết các nước thành viên NATO và đối tác thường xuyên hiện diện trong khu vực nhằm bảo đảm môi trường hàng hải an toàn và ổn định, cũng như cải thiện năng lực tác chiến và khả năng phối hợp hiệp đồng. USS Arleigh Burke tiến vào Biển Đen sau khi soái hạm USS Mount Whitney và khu trục hạm USS Porter hoàn thành nhiệm vụ, rời khỏi khu vực này.
Trung tâm Chỉ huy Quốc phòng Quốc gia Nga sau đó thông báo "các lực lượng thuộc Hạm đội Biển Đen đã bắt đầu giám sát chiến hạm USS Arleigh Burke", trong khi Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc hoạt động của tàu chiến Mỹ đang trở thành yếu tố gây bất ổn trong khu vực.
Mỹ định kỳ điều chiến hạm tới Biển Đen để thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, hoạt động thường xuyên bị Nga phản đối.
Quan hệ Nga - Ukraine lao dốc sau khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và phong trào đòi ly khai bùng lên ở miền đông Crimea. Ukraine gần đây cáo buộc Nga tập trung lực lượng sát biên giới nước này, trong khi Belarus, đồng minh thân cận của Moskva, tìm cách đẩy người di cư qua biên giới.
USS Arleigh Burke là chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu khu trục cùng tên, được hạ thủy tháng 9/1989 và biên chế trong hải quân Mỹ tháng 7/1991. Chiến hạm có tốc độ tối đa 56 km/h và tầm hoạt động khoảng 8.100 km.
Arleigh Burke có lượng giãn nước 9.000 tấn, được trang bị 90 cụm ống phóng Mark 41 chứa tên lửa phòng không, tên lửa chống ngầm và tên lửa hành trình Tomahawk, hai cụm ống phóng tên lửa diệt hạm Harpoon, hai cụm ống phóng ngư lôi, hai pháo tự động 25 mm và một pháo hạm 127 mm.
Vũ Anh (Theo TASS)