Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng ngày 2/12 đề nghị các bệnh viện rà soát, tái cấu trúc và chức năng phù hợp yêu cầu thu dung, điều trị Covid-19 và các bệnh lý thông thường khác, đảm bảo giường bệnh có oxy, thuốc, trang thiết bị y tế...
Bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm và bệnh viện đa khoa hạng một được khuyến khích thành lập Khoa Covid-19, đơn vị Hồi sức Covid-19, sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh nặng, nguy kịch. Các viện tiếp tục thắt chặt biện pháp phân luồng, sàng lọc trường hợp nghi nhiễm đến khám, tránh lây nhiễm chéo. Các bệnh viện cũng tiếp nhận người khỏi Covid-19 cần điều trị bệnh nền hoặc phục hồi chức năng.
Yêu cầu này được Sở Y tế đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới, nhập viện và tử vong tại thành phố tiếp tục tăng; dịch bệnh tại các tỉnh thành phía Nam diễn biến phức tạp; thế giới xuất hiện biến chủng mới Omicron.
Trong giai đoạn thích ứng, TP HCM tiếp tục duy trì 4 bệnh viện chuyển đổi công năng toàn bộ (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Trưng Vương, An Bình, Huyện Củ Chi) và 6 bệnh viện theo mô hình tách đôi - khối nhà riêng biệt, có cổng và lối đi riêng để điều trị Covid-19 (Bệnh viện Quân dân y Miền Đông, Phạm Ngọc Thạch, Từ Dũ, Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng Thành phố). 10 bệnh viện này tổng cộng khoảng 4.300 giường trị Covid-19.
13 bệnh viện dã chiến cấp thành phố với khoảng 22.000 giường đang hoạt động. Mỗi quận huyện lập thêm bệnh viện dã chiến (tầng hai) hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (tầng một). Hiện ở cấp quận huyện có 16 bệnh viện dã chiến với khoảng 8.000 giường, 65 cơ sở thu dung điều trị Covid-19 khoảng 9.000 giường.
Sở Y tế TP HCM cũng phân cụm các bệnh viện điều trị Covid-19 và công tác điều phối chuyển người mắc Covid-19. Cụ thể, 9 bệnh viện tuyến cuối (tầng 3) trị Covid-19 là bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), Bệnh viện Dã chiến Phước Lộc (Bộ Công an); 4 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế điều trị hồi sức tích cực gồm Chợ Rẫy, Thống Nhất, Đại học Y Dược TP HCM, Trung ương Huế. Tổng số giường tại các bệnh viện tầng 3 hiện nay khoảng 2.300.
Để thuận lợi cho công tác hội chẩn, chuyển bệnh, chuyển giao kỹ thuật giữa các cơ sở trong 3 tầng, Sở Y tế chia các bệnh viện thành 8 cụm; đồng thời tái kích hoạt Tổ điều phối chuyển viện.
Các bệnh viện phân bổ nguồn nhân lực tham gia điều trị và chăm sóc F0, được Sở Y tế yêu cầu "không được đùn đẩy hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh". Bác sĩ, điều dưỡng được cử luân phiên đến các bệnh viện dã chiến trị Covid-19, trạm y tế lưu động làm việc.
Tối 2/12, Bộ Y tế công bố TP HCM thêm 1.738 ca nhiễm, nâng tổng số ca đợt này lên 473.871.
TP HCM đang điều trị 86.000 F0, trong đó hơn 66.000 F0 tại nhà, còn lại tại các bệnh viện và khu cách ly tập trung. Khi thành phố mở cửa, các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại, số F0 có xu hướng tăng trở lại trong vài tuần qua.