F0 cách ly tại nhà tiếp tục được xem là trụ cột quan trọng trong chiến lược điều trị tại TP HCM, khi số ca Covid-19 gia tăng trở lại, mỗi ngày vượt 1.000. Hầu hết người bệnh đã tiêm vaccine, ca nhiễm chủ yếu không triệu chứng hoặc nhẹ. Hiện, khoảng 47.000 F0 trên tổng số 64.000 ca nhiễm đang cách ly tại nhà, chiếm khoảng 73%, theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM Nguyễn Hồng Tâm.
F0 tại nhà tăng trong khi các trạm y tế lưu động do quân y phụ trách đang dần rút quân. Thời gian qua nhiều người tự xét nghiệm kết quả dương tính nhưng không liên hệ được trạm y tế phường, xã, thị trấn để được tư vấn, cấp phát túi thuốc điều trị.
Trong bối cảnh trạm y tế không đủ nhân lực đến tận nhà dân khi F0 tăng nhanh, nhiều nơi "chữa cháy" bằng cách mời người có triệu chứng nghi ngờ hoặc đã test nhanh dương tính đến trạm giải quyết xét nghiệm và phát túi thuốc. Cách này được Trạm Y tế phường Hiệp Thành - phường nhiều F0 nhất quận 12 (quận có nhiều F0 tại nhà nhất thành phố) - duy trì trong hơn 10 ngày.
Khi các trạm lưu động của quân y rút quân, 10 nhân viên của trạm y tế phường cùng 5 tình nguyện viên quản lý cùng lúc hơn 1.000 F0 tại nhà trên địa bàn hơn 110.000 dân số với nhiều công ty, xí nghiệp lớn. Công việc quá tải. Ngày 13/11, khi Sở Y tế TP HCM điều động hai trạm y tế lưu động thuộc Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Y học cổ truyền đến hỗ trợ, F0 tại Hiệp Thành bắt đầu được nhân viên y tế đến chăm sóc tại nhà, không phải trực tiếp đến trạm nữa.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết ngành y tế thành phố những ngày qua đã tăng cường 70 trạm y tế lưu động (từ lực lượng của các bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân) để hỗ trợ quản lý F0 tại nhà cho những khu vực có số ca nhiễm tăng cao. Tùy theo diễn biến dịch, thành phố có kế hoạch duy trì, thành lập mới trạm y tế lưu động sao cho tương xứng với số F0 tại các địa phương.
Trong tình hình mới, nhân sự huy động hỗ trợ các trạm lưu động cũng sẽ có thay đổi. Theo đó, Sở Y tế sẽ tăng lực lượng chuyên môn, mỗi trạm tăng cường một bác sĩ, 1-2 điều dưỡng, các địa phương chịu trách nhiệm huy động một số tình nguyện viên để hỗ trợ các công việc khác. Ngành y tế cũng lập các đội phản ứng nhanh, đội đặc nhiệm kiểm dịch, tái kích hoạt Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tư vấn F0 tại nhà...
F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà, Sở Y tế TP HCM đang đề xuất mở lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị. "Các khu cách ly tại các địa phương (xem như là tầng 1) để tiếp nhận F0", Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng nói.
Ông Hưng cho rằng tình hình dịch của TP HCM đang tương đối ổn định, một số địa phương tăng F0 nhưng vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát. Do đó, đề xuất này nhằm "chuẩn bị trước một bước, trên một mức để chủ động ứng phó với bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra đối với dịch bệnh".
Trước đó, trong thời gian cao điểm dịch vào tháng 7-8, thành phố đã lập gần 200 khu cách ly quận huyện với hơn 37.000 giường. Sau khi dịch cơ bản được kiểm soát, số ca mắc mới giảm, F0 chủ yếu điều trị tại nhà, nhiều khu cách ly đã ngưng hoạt động. Hiện, toàn thành phố có 62 khu cách ly tập trung ở các quận, huyện để tiếp nhận F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Hơn 4.600 F0 đang được cách ly tại các khu tập trung.
Lộ trình từ nay đến cuối năm, 16 bệnh viện dã chiến cấp thành phố sẽ được thu hẹp và chỉ còn ba bệnh viện theo mô hình "bệnh viện dã chiến 3 tầng". Do đó, để chăm sóc kịp thời F0 khi cần thiết, Sở Y tế TP HCM đề nghị thành lập bệnh viện dã chiến cấp quận huyện, xem đây là tầng 2. Hiện, 8 bệnh viện dã chiến đã được thành lập ở các quận huyện với quy mô 300-500 giường để sẵn sàng thu dung, điều trị F0 có triệu chứng vừa và nhẹ.
Tại huyện Bình Chánh, để chuẩn bị cho điều trị F0 đang gia tăng, huyện thành lập 19 trạm y tế lưu động, chủ động kiến nghị và được thành phố chấp thuận cho mở lại 3 block của Bệnh viện dã chiến số 4 (nơi này đã hoàn thành sứ mệnh, ngưng hoạt động giữa tháng 10 vừa qua). Huyện đang duy trì Bệnh viện dã chiến số 1 và một số khu cách ly để điều trị, kịp thời cấp cứu những F0 trở nặng trước khi chuyển đến các bệnh viện tuyến thành phố.
Quận 11, một trong bốn địa phương vừa tăng nguy cơ từ cấp 1 lên cấp 2, hai khu cách ly tập trung với quy mô 600 giường hiện vẫn để trống. Toàn quận đang có 400 F0 cách ly tại nhà. F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà được đưa vào Bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 Quận 11. Bệnh viện quy mô 300 giường, trong đó 250 giường có hệ thống oxy trung tâm (bao gồm 25 giường hồi sức tích cực), tiếp nhận F0 nhẹ, vừa và nặng. Nơi này hoạt động từ ngày 18/10, được UBND quận lập theo chủ trương mỗi quận huyện có ít nhất một bệnh viện dã chiến.
Theo ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND Quận 11, trước tình hình F0 trên địa bàn quận có xu hướng tăng, quận sẵn sàng kế hoạch vận hành trở lại hai khu cách ly tập trung để sử dụng khi cần thiết. Trước mắt, F0 chủ yếu được đưa vào bệnh viện thu dung của quận. Trong đợt dịch này, quận ghi nhận khoảng 10.200 F0.
Tại TP Thủ Đức, F0 chủ yếu đang cách ly tại nhà nhưng địa phương cũng duy trì 3 điểm thu dung, 2 bệnh viện dã chiến và 3 bệnh viện điều trị Covid-19. Các phường đang khẩn trương thành lập các điểm thu dung với quy mô 30-50 giường. TP Thủ Đức ghi nhận F0 tăng trong những ngày qua, có hôm lên đến 178 ca (12/11), trong khi hồi tháng 10 có ngày chỉ hơn 20 trường hợp.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP HCM, hiện nay các ca chuyển nặng cần nhập viện có xu hướng giảm và ở mức thấp. Ngoài ra, số trường hợp thở máy xâm lấn duy trì ở mức ổn định, các ca thở máy không xâm lấn và thở oxy có xu hướng giảm nhẹ. Các bệnh viện thành phố đang điều trị hơn 12.000 F0, trong đó 258 bệnh nhân nặng đang thở máy, 11 ca can thiệp ECMO (cao điểm hồi cuối tháng 8 hơn 40.000 F0 nằm viện, trong đó gần 2.800 thở máy, ECMO).
Dù F0 nhập viện giảm, Sở Y tế TP HCM cũng yêu cầu các cơ sở y tế tuyến thành phố có sự chuẩn bị, sẵn sàng trước tình hình diễn biến phức tạp và đề phòng số ca F0 có tăng cao trong thời gian tới. Ba bệnh viện dã chiến số 16, 13 và 14 được giữ lại, sáp nhập với các trung tâm hồi sức nằm kế cạnh để thành lập mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng. Đây là những nơi đảm bảo tiếp nhận điều trị F0 nhẹ, vừa, nặng và cả nguy kịch. Sở Y tế sẽ điều động luân phiên nhân viên từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đến điều trị.
Đối với các bệnh viện trước đây đã chuyển đổi toàn phần, hoặc một phần để điều trị Covid-19, từ nay đến cuối năm sẽ dần phục hồi công năng để khám chữa bệnh thông thường nhưng giữ lại khu cách ly (20-40 giường) dành cho các trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19; đồng thời từng bước chuyển tiếp khu cách ly thành khoa/đơn vị điều trị Covid-19 tại bệnh viện.