Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), thành phố ghi nhận 62 bệnh nhân Covid-19 tử vong ngày 28/11, trong đó 11 trường hợp chuyển viện từ các tỉnh thành khác. Trong 62 ca tử vong, 93,5% kèm bệnh nền, 92% cộ tuổi từ 50 trở lên.
F0 tử vong tại hầu hết bệnh viện, trung tâm hồi sức tích cực, giảm nhiều so với giai đoạn cao điểm hồi tháng 8 nhưng đang có xu hướng tăng, tương ứng với số bệnh nhân nhập viện tăng trở lại trong thời gian gần đây.
Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình gần đây ghi nhận khoảng 3-4 trường hợp tử vong mỗi ngày, trong khi vài tuần trước có nhiều ngày không ca tử vong. Bác sĩ Hồ Hữu Đức (Phó giám đốc bệnh viện) cho biết trong số khoảng 5.000 F0 mà bệnh viện tiếp nhận, tỷ lệ tử vong chiếm gần 7%, số tuổi tử vong trung bình khoảng 72, chủ yếu người có nhiều bệnh lý nền.
Theo bác sĩ Đức, hiện vẫn còn một số F0 nhập viện là người lớn tuổi, chưa chịu tiêm vaccine Covid-19 vì e ngại sức khỏe yếu do mắc các bệnh lý nền. Số bệnh nhân này tập trung ở khu vực tầng 3 - nơi hồi sức F0 nặng, nguy kịch của bệnh viện. Tỷ lệ tử vong ở tầng này chiếm khoảng 26% tổng số ba tầng.
F0 nhập viện tại đây tăng cao khoảng hơn hai tuần nay, gần 800 ca đang điều trị. Tuần trước, số tiếp nhận điều trị có lúc lên đến 850 F0 - lượng bệnh nhân đông nhất kể từ khi bệnh viện thành lập trên cơ sở chuyển đổi công năng Trung tâm triển lãm và hội chợ Tân Bình, cách đây ba tháng. Trước bối cảnh số lượng bệnh nhân tăng nhiều, Sở Y tế TP HCM vừa "chia lửa" với nơi này về nhân lực, trang thiết bị, cử 9 bác sĩ và 21 điều dưỡng từ các bệnh viện gồm Ung bướu TP HCM, Quận Phú Nhuận, 1A đến hỗ trợ.
Bệnh viện Chợ Rẫy thời gian qua ghi nhận 3-4 bệnh nhân Covid-19 tử vong mỗi ngày. Tích lũy từ ngày 1/10 - khi TP HCM nới lỏng giãn cách đến nay, bệnh viện ghi nhận 172 trường hợp tử vong, chiếm tỷ lệ khoảng 19% số ca nhập viện. Giai đoạn trước đó, tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 32%.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 - một trong những trung tâm hồi sức tuyến cuối khác tại TP HCM, hai tháng qua ghi nhận 247 ca tử vong, chiếm tỷ lệ khoảng 18%, vẫn tập trung chủ yếu ở các trường hợp lớn tuổi, nhiều bệnh nền. Trong bối cảnh F0 nhập viện hiện nay được tiêm vaccine nhiều hơn, số tử vong giảm nhiều so với giai đoạn trước.
Trung tâm Hồi sức Covid-19 Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 cũng ghi nhận vài trường hợp tử vong mỗi ngày. Phó giáo sư Lê Minh Khôi (Phó giám đốc Trung tâm) cho biết trước đây hầu hết bệnh nhân vào trung tâm diễn tiến nặng nề vì chưa tiêm vaccine hoặc tiêm xong chưa đủ thời gian tạo kháng thể. Đa số ca tử vong là người chưa tiêm vaccine, lớn tuổi, nhiều bệnh nền.
Hiện nay, khoảng 50% bệnh nhân nhập vào trung tâm cũng chưa được tiêm vaccine, trong đó rất nhiều người cao tuổi, nhiều bệnh nền, khi mắc Covid-19 càng dễ trở nặng. Thực tế điều trị tại đây ghi nhận hiếm có trường hợp tử vong nào là F0 trẻ tuổi, không bệnh nền. "Nhiều người nhận thức không đúng về vai trò của vaccine, lo sợ đang có bệnh nền khi chích vaccine sẽ nguy hiểm, trong khi đó đây là nhóm cần được chích vaccine nhất", phó giáo sư Khôi nói.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai (Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM) tại họp báo tuần trước, cho rằng khi thành phố mở cửa, các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại, dù ngành y tế đã cố gắng với rất nhiều biện pháp, số F0 vẫn có chiều hướng tăng nhẹ trong thời gian tới, dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong, chủ yếu là bệnh nhân trên 65 tuổi và chưa tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Lý giải nguyên nhân người dân không tiêm vaccine, bà Mai cho biết họ thuộc trường hợp chống chỉ định tiêm chủng và người lớn tuổi nhưng gia đình không có điều kiện, hoặc ngại tiếp cận vaccine. Do đó, khi mắc quá nhiều bệnh nền, lại thêm Covid-19 thì khả năng người bệnh tử vong "rất cao".
Với các trường hợp tử vong dù trước đó đã tiêm đủ hai mũi vaccine, Chánh văn phòng Sở Y tế cho rằng, nếu tính về cá thể - tức một người tiêm vaccine sẽ được miễn dịch, thì việc tử vong này "hơi bất thường". Tuy nhiên, xét về yếu tố cộng đồng - số F0 tăng lên thì sẽ có một số trường hợp diễn tiến nặng. Đặc biệt, trong thời gian qua, dù độ phủ vaccine tốt nhưng khi F0 tăng sẽ có khoảng 15-20% diễn tiến nặng, chủ yếu là người cao tuổi, kèm bệnh nền. Trong 15-20% này có 5% chuyển biến thực sự rất nặng. "F0 tăng cao sẽ có ca tử vong. Đây là điều khó tránh khỏi", bà Mai nói.
TP HCM đang tập trung tiêm hết cho bằng được người chưa tiêm mũi đủ hai mũi vaccine. Theo bà Mai, ngành y tế sẽ "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tìm những trường hợp chưa tiêm vaccine. Từ đó, tìm hiểu lý do, hỗ trợ, thuyết phục người dân đồng thuận tiêm chủng, nhằm đạt độ phủ vaccine tốt nhất toàn thành phố.
Trước tình hình F0 tăng, kéo theo số bệnh nhân nặng cần nhập viện sẽ tăng, đặc biệt tập trung ở nhóm có bệnh lý nền, tuổi trên 50, Sở Y tế TP HCM vẫn tập trung vào chiến lược điều trị F0 tại bệnh viện, bên cạnh chiến lược quan trọng là quản lý F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nhanh chóng tiêm vaccine, nâng cao ý thức và tuân thủ quy tắc phòng chống dịch, cố gắng tuân thủ tối đa nguyên tắc 5K, không chủ quan. Những người vì lý do sức khỏe chưa đủ điều kiện tiêm vaccine và đặc biệt những người tuổi cao, có bệnh nền, béo phì dù đã tiêm vaccine... nên hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc những nơi đông người, kiểm soát tốt các bệnh nền.
"Cần sớm ưu tiên phủ vaccine mũi 3 cho người trên 50 tuổi, trước mắt nếu chưa đủ vaccine có thể tiêm trước cho người trên 65 tuổi", bác sĩ Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19) nói.
TP HCM đang điều trị hơn 14.000 F0 tại các bệnh viện tầng 2-3, trong đó khoảng 3.000 bệnh nhân phải hỗ trợ hô hấp. Hơn 6.000 F0 đang theo dõi tại các cơ sở cách ly tập trung, hơn 66.000 người cách ly tại nhà. Theo Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM Phạm Đức Hải, số ca mắc mới, tử vong tăng và bệnh nhân nhập viện cao hơn xuất viện nhưng thành phố đang kiểm soát được dịch.
Tính đến nay, hơn 7,9 triệu người dân thành phố đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi một, hơn 6,6 triệu người đã tiêm mũi hai.