Trong một đánh giá được công bố trên Tạp chí Não bộ, Hành vi và Miễn dịch vào tháng 07/2014, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, tập thể dục sau khi tiêm vaccine có thể tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể, từ đó giúp nâng cao hiệu quả của vaccine.
Cơ chế hoạt động của vaccine là đưa mầm bệnh hoặc các bộ phận của chúng vào trong cơ thể nhằm kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể và tế bào T. Đây là hai yếu tố được sử dụng để nhận biết và chống lại các tác nhân gây bệnh khi chúng xâm nhập trong tương lai. Hiệu quả của vaccine phụ thuộc vào số lượng kháng thể và tế bào T được tạo ra. Kháng thể và tế bào T tạo ra càng nhiều, phản ứng miễn dịch càng mạnh thì khả năng bảo vệ của vaccine càng tốt.
Theo các chuyên gia sức khỏe, tập thể dục có thể kích thích hệ miễn dịch tạo ra nhiều kháng thể hơn. Điều này giúp cải thiện khả năng miễn dịch nói chung và phản ứng của cơ thể đối với vaccine nói riêng. Không chỉ vậy, việc tập thể dục còn có thể làm tăng lưu lượng máu, giúp đưa vaccine từ vị trí tiêm đến nhiều bộ phận và cơ quan khác.

Tập thể dục cũng giúp vận chuyển kháng thể và tế bào T được tạo ra đi khắp cơ thể. Ảnh: Shutterstock
Trong một nghiên cứu của Đại học bang Iowa tại Mỹ, các tình nguyện viên tham gia được chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên được cho chạy bộ với tốc độ vừa phải trong 90 phút hoặc đạp xe trong 15 phút sau khi tiêm ngừa cúm, trong khi nhóm thứ hai chỉ ngồi yên suốt 90 phút. Một tháng sau đó, hai nhóm được tiến hành kiểm tra phản ứng kháng thể. Các nhà khoa học nhận thấy, nhóm tập thể dục có phản ứng kháng thể cao gấp đôi so với nhóm không vận động.
Ngoài ra, tập thể dục cũng có thể làm giảm các tác dụng phụ từ việc tiêm vaccine như đau hoặc khó chịu tại vị trí tiêm. Các chuyên gia giải thích rằng, việc vận động giúp máu lưu thông dễ dàng hơn, từ đó làm giảm tình trạng viêm và cứng cơ.
Tuy nhiên, việc tập thể dục sau khi tiêm vaccine cần phù hợp với thể trạng của từng người. Các chuyên gia y tế khuyên người vừa tiêm vaccine nên hạn chế các bài tập cường độ cao. Thay vào đó, các bài tập được khuyến nghị trong giai đoạn này là các bài có cường độ trung bình (như đi bộ nhanh, đạp xe đạp, tennis đôi...) hoặc các bài tập tăng cường sức bền (như squat, lunge, hít đất, tập tạ nhẹ...). Đặc biệt, người gặp phải các tác dụng phụ như mệt mỏi, uể oải, suy nhược sau khi tiêm vaccine không nên cố gắng luyện tập mà hãy nghỉ ngơi phù hợp.
Cũng trong nghiên cứu của Đại học bang Iowa, Mỹ, khi tiến hành thử nghiệm trên chuột, các nhà khoa học nhận thấy những con chuột chạy trên bánh xe trong 90 phút có phản ứng đề kháng sau khi tiêm vaccine cúm tốt hơn những con chạy 45 phút hoặc 180 phút. Vì vậy, theo các chuyên gia, thời lượng tập thể dục tối ưu nên duy trì ở mức 90 phút.
Nhìn chung, việc tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho người mới tiêm phòng. Tuy nhiên, hãy lắng nghe cơ thể và lựa chọn các bài tập thể dục phù hợp để thu được hiệu quả tối đa.
Phương Quỳnh (Theo Singlecare, Livestrong)