Tập đoàn khoa học Biorescue hôm 29/7 đã mô tả trong một thông cáo báo chí về cách họ thu thập trứng tê giác ở Đông Phi, sau đó vận chuyển đến phòng thí nghiệm Avantea ở Italy để thụ tinh, phát triển phôi và bảo quản.
Tê giác trắng phương Bắc (Ceratotherium simum cottoni), một phân loài của tê giác trắng, hiện là động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất khi chỉ còn hai cá thể tồn tại trên thế giới tại khu bảo tồn hoang dã Ol Pejeta ở Kenya. Cặp mẹ con tên Najin và Fatu đều là con cái và không có khả năng sinh sản tự nhiên.
Trong dự án này, Biorescue đã thu thập một số lượng trứng từ tê giác con Fatu và cho thụ tinh nhân tạo với tinh trùng lấy từ hai con đực đã chết khác nhau. Nỗ lực của nhóm nghiên cứu đã được đền đáp với ba phôi được tạo ra thành công.
Do cả Najin và Fatu đều không thể mang thai đủ tháng, họ hàng tê giác trắng phương Nam của chúng sẽ được lựa chọn để mang thai hộ. Giám đốc khu bảo tồn Ol Pejeta Richard Vigne hôm 30/6 chia sẻ với AFP rằng ông tin tưởng vào cơ hội thành công của dự án, mặc dù thách thức phía trước vẫn còn rất nhiều.
"Mọi người đều hiểu rằng mọi thứ không hề dễ dàng. Chúng tôi đang làm những điều tiên tiến từ góc độ khoa học để giải quyết vấn đề di truyền học của hai con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng còn sót lại trên hành tinh", Vigne nhấn mạnh.
Kể từ năm 2019, Biorescue đã thu thập 80 trứng từ Najin và Fatu để tạo phôi, nhưng tất cả phôi còn sống cho đến nay đều được lấy từ trứng của tê giác con. Fatu năm nay 21 tuổi trong khi tê giác mẹ sinh năm 1989. Tuổi tác cao đã ảnh hưởng đến khả năng tạo phôi thành công của Najin.
Dự án hồi sinh tê giác trắng phương Bắc là một nỗ lực xuyên quốc gia với các nhà khoa học từ Viện Leibniz của Đức, Dịch vụ Động vật Hoang dã Kenya, khu bảo tồn Ol Pejeta và phòng thí nghiệm Avantea của Italy.
"Thật đáng khích lệ khi dự án tiếp tục đạt được những tiến triển tốt, mang đến hy vọng cứu một loài mang tính biểu tượng khỏi nguy cơ tuyệt chủng", Bộ trưởng Du lịch Kenya Najib Balala chúc mừng nhóm nghiên cứu với thành công mới.
Tê giác nói chung có rất ít động vật ăn thịt tự nhiên nhưng số lượng của chúng vẫn suy giảm do nạn săn trộm. Tê giác trắng phương Bắc trước đây từng phân bố rải rác khắp các vùng phía tây bắc Uganda, phía nam Sudan, phía đông Cộng hòa Trung Phi và đông bắc Cộng hòa Dân chủ Congo với sống lượng hơn 500 con vào những năm 1970.
Đoàn Dương (Theo AFP)