Các chuyên gia lần đầu trông thấy một đôi đại bàng đuôi trắng tại khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Hồ Lomond hồi đầu tháng 3. Từ đó đến nay, đôi chim không ngừng tìm kiếm những địa điểm thích hợp để làm tổ, chứng tỏ chúng dự định ở lại lâu dài, Guardian hôm 12/6 đưa tin. Các nhà khoa học tin rằng đây là lần đầu tiên đại bàng đuôi trắng định cư tại Hồ Lomond kể từ khi chúng tuyệt chủng ở Anh do bị săn bắn và môi trường sống thay đổi vào đầu thế kỷ 20.
"Đây là sự kiện mới nhất trong chuỗi thành công của nhiệm vụ bảo tồn đại bàng đuôi trắng. Chúng tôi cùng các đối tác đã cẩn thận quản lý khu bảo tồn để cung cấp môi trường sống phong phú, đa dạng, cho nhiều loài chim và sinh vật hoang dã khác. Vì thế, thật mừng khi thấy đại bàng đuôi trắng trở lại Hồ Lomond sau chừng ấy năm", Paul Roberts, quản lý tại cơ quan NatureScot, chia sẻ.
NatureScot, Cơ quan Công viên Quốc gia Hồ Lomond và Trossachs (LLTNPA), Hiệp hội Bảo vệ Chim Hoàng gia Anh tại Scotland (RSPB Scotland) đang hợp tác để theo dõi hành vi của đại bàng đuôi trắng, đồng thời đưa ra các biện pháp quản lý du khách và bảo vệ chúng. Các biện pháp gồm thiết lập khu vực cấm vào, dựng biển báo đề nghị du khách giữ khoảng cách, giám sát thường xuyên qua các cuộc tuần tra. Cảnh sát Scotland cũng đã nắm được thông tin về sự xuất hiện của đại bàng đuôi trắng.
"Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho loài chim đặc biệt này và cố gắng giảm tối đa việc quấy nhiễu chúng. Chúng tôi đang trao đổi với những bên có thể bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của đại bàng đuôi trắng, bao gồm người sử dụng hồ, du khách và nông dân địa phương", Simon Jones, giám đốc môi trường và dịch vụ du khách tại LLTNPA, nói.
Hiện chưa có báo cáo nào về việc gia súc bị ăn thịt liên quan đến đại bàng đuôi trắng ở Hồ Lomond, theo NatureScot. Tuy nhiên, ở một số địa điểm khác, loài chim này có thể ảnh hưởng đến các nông trại do săn cừu con.
Đại bàng đuôi trắng là loài chim săn mồi lớn nhất nước Anh với sải cánh dài 100 - 240 cm. Thức ăn của loài vật này gồm chim biển, cá, thỏ, ngỗng và cả xác thối. Chúng từng được đưa trở lại Scotland vài lần vào những năm 1970, 1990 và đầu những năm 2000. Các chuyên gia ước tính nơi đây hiện có hơn 150 cặp trong độ tuổi sinh sản.
Thu Thảo (Theo Guardian)