Bộ Môi trường Indonesia hôm 14/6 cho biết hai con tê giác non - có độ tuổi từ ba tháng đến một năm - được ghi hình trong cảnh quay bằng bẫy camera tại công viên quốc gia Ujung Kulon trên cực tây của đảo Java.
Với khoảng 5.100 ha rừng nhiệt đới tươi tốt và các dòng suối nước ngọt, Ujung Kulon hiện là nơi sinh sống hoang dã cuối cùng còn sót lại của tê giác Java.
Loài thú guốc lẻ này từng có số lượng lên đến hàng nghìn con, phân bố rộng khắp Đông Nam Á, tới cả Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn săn trộm và mất môi trường sống do hoạt động của con người.
Sau nhiều năm suy giảm số lượng, các nhà bảo tồn tin rằng chỉ còn 73 tê giác Java còn sót lại trong tự nhiên, biến chúng trở thành một trong những loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Bởi vậy, việc phát hiện cùng lúc hai con non mới là rất hiếm và có ý nghĩa quan trọng.
Tê giác Java đặc trưng bởi các nếp gấp trên da, tạo cho chúng vẻ ngoài như đang mặc áo giáp. Loài này có kích cỡ tương đương tê giác đen với chiều dài từ 3,1 đến 3,2 m, cao 1,4 đến 1,7 m và nặng 900 đến 2.300 kg. Cả hai hiện đều bị phân loại "cực kỳ nguy cấp" trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.
Đoàn Dương (Theo AFP)