Trước khi đến Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh đột ngột đau bụng dữ dội vùng hạ vị lệch trái, kèm theo bí trung đại tiện. Qua khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị xoắn đại tràng Sigma, chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu. Một tuần trước đó, thiếu niên đã bị đau tức vùng bụng dưới.
Trong 30 phút phẫu thuật, các phẫu thuật viên tháo xoắn đại tràng Sigma và đưa ra hố chậu trái để làm hậu môn nhân tạo tạm thời (mở thông đại tràng) cho bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ thăm dò cận lâm sàng để chẩn đoán nguyên nhân bệnh.
Chụp khung đại tràng có hình ảnh đại tràng Sigma dài bất thường. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh dài đại tràng gây táo bón mạn tính, có biến chứng xoắn đại tràng Sigma. Hai tuần sau, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi lần 2.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, cho biết ở ca mổ lần 2, hậu môn nhân tạo được giải phóng, đưa vào ổ bụng để đánh giá toàn bộ khung đại tràng. Bác sĩ đã cắt đoạn và nối lại đại tràng Sigma. Chỉ sau một ngày, bệnh nhân đã lưu thông ruột tốt và được ra viện trong tình trạng ổn định, không còn táo bón.
Táo bón có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể do đại tràng dài hơn mức bình thường. Đại tràng có chức năng quan trọng là tái hấp thu nước. Vì vậy, khi đại tràng quá dài dẫn tới tình trạng phân khô, đại tràng gấp khúc dẫn tới tình trạng táo bón kéo dài.
Ngày 16/4, bác sĩ Nguyễn Huy Du, khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, cho biết chiều dài trung bình của đại tràng từ 120 đến 150 cm. Dài đại tràng là khi chiều dài này vượt thêm so với chiều dài trung bình từ 50 đến 100 cm. Đoạn đại tràng dài thường là đại tràng trái và đại tràng sigma. Tỷ lệ người mắc bệnh này dao động từ 1,9% đến 28,5% dân số.
"Đây là tổn thương lành tính, nhưng hệ quả của nó gây ra tình trạng táo bón mãn tính, đầy hơi, đau bụng, trường hợp nặng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm nhất là xoắn ruột", bác sĩ Du nói.
Điều trị dài đại tràng chủ yếu là dự phòng, bao gồm chữa các triệu chứng có thể xuất hiện mãn tính và giảm đau, bằng thuốc chống co thắt, giảm đau, nhuận tràng hoặc thuốc xổ.
Trừ những trường hợp nghiêm trọng, người mắc dài đại tràng được khuyến cáo không nên phẫu thuật, tránh gây ảnh hưởng cho hoạt động bình thường của ruột, do cuộc mổ có thể gây tổn thương các thần kinh và cơ.
"Chỉ phẫu thuật trong những trường hợp táo bón rất nặng không điều trị bằng thuốc với bất kỳ liệu pháp nhuận tràng nào hoặc trong trường hợp tắc ruột, xoắn ruột", ông Du cho hay.
Lê Nga