"Ba tháng đầu các tuyến xe khách di dời về bến xe mới được phép đậu, đón khách tại bến xe cũ ở quận Bình Thạnh. Có 8 tuyến xe buýt kết nối từ trung tâm thành phố tới bến xe miền Đông mới tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đi lại", ông Nguyễn Hoàng Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV bến xe Miền Đông cho biết lại lễ khai trương bến xe mới.
Giai đoạn đầu, 22 tuyến xe khách cự ly trên 1.100 km từ Quảng Trị ra các tỉnh phía Bắc được dời lên bến xe mới ở số 501 Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, quận 9, cách bến cũ hơn 15 km. Các tuyến xe buýt có điểm đầu và cuối tại bến xe mới gồm 93, 55 và 76. Tuyến xe buýt đi ngang bến xe miền Đông mới gồm 150, 60-1, 60-2, 60-3, 60-4. Hành khách có thể mua vé ở bến cũ và mới, hoặc mua vé qua mạng trên website bến xe.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, sau nhiều lần trễ hẹn, bến xe liên tỉnh hiện đại và lớn nhất nước chính thức hoạt động. Bến xe mới hiện khánh thành giai đoạn một và đang hoàn thiện hạng mục bên trong lẫn bên ngoài bến xe. Với sự kết hợp của nhà ga tuyến Metro Số 1 nằm phía đối diện dự tính khai thác cuối năm sau, nơi đây là đầu mối giao thông lớn, phát triển dịch vụ logistics, văn phòng, giải trí... trong tương lai.
Bến xe Miền Đông mới khởi công tháng 4/2017 trên diện tích 16 ha. Công trình gồm khu A là bến bãi, công trình công cộng (chiếm 76% tổng diện tích); khu B trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); khu D thương mại dịch vụ (cao 15 tầng). Riêng nhà ga được xây dựng với kết cấu 2 tầng hầm và 4 tầng nổi.
Hà An