Trong phiên họp do Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội tổ chức nhằm thẩm tra dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, người đứng đầu bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra ý kiến: Việc tăng tuổi nghỉ hưu là không thể chậm hơn nữa.
Có nhiều lý do để người đứng đầu ngành bảo vệ quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu:
- Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng lên khá nhiều trong vài thập niên trở lại đây.
- Quy định về tuổi nghỉ hưu của nhiều quốc gia trên thế giới hiện cao hơn so với nước ta.
- Yêu cầu về sự bình ổn quỹ bảo hiểm xã hội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị qua giai đoạn cơ cấu dân số vàng, đối mặt với tình trạng lão hoá dân số...
Tuy nhiên, như ý kiến của một số đại biểu quốc hội, cần phân tích thấu đáo những tác động của chính sách, làm rõ những căn cứ, cơ sở của việc tăng tuổi nghỉ hưu. Tôi xin có một số ý kiến như sau:
- Việc tăng tuổi nghỉ hưu chủ yếu tác động trực tiếp đến người lao động trong khối các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, với chủ trương, chính sách tinh giảm biên chế, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, cổ phần hoá các doanh nghiệp, việc sử dụng người lao động không quan trọng ở độ tuổi, mà quan trọng ở hiệu quả công việc. Do đó, tăng hay không tăng tuổi nghỉ hưu thực chất không quyết định chất lượng, hiệu quả công việc theo mục tiêu đề ra.
- Việt Nam đang đề cao và có những chính sách mạnh mẽ cho phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và quá trình tự động hoá cùng với công nghệ số sẽ không lệ thuộc vào tuổi đời và kinh nghiệm. Thực tế độ chín về hiểu biết, trình độ của nguồn nhân lực xã hội ngày càng trẻ hoá và phù hợp với xu thế của nền kinh tế tri thức. Tăng tuổi nghỉ hưu là làm hẹp khe cửa của những người trẻ vào khu vực công. Cùng với đó, hạn chế cơ hội trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo cũng tại khu vực này.
Đối với nguồn nhân lực trình độ cao (Những người có trình độ Tiến sĩ hoặc chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư) nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng chưa hẳn là cách tận dụng chất xám. Vì cũng thực tế cho thấy, nhiều nhà trí thức bậc cao một khi có tài năng, có nhiệt huyết, dù có nghỉ hưu trong độ tuổi hiện hành, họ vẫn đóng góp tích cực cho sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu.
Nhưng để kéo dài tuổi nghỉ hưu, cộng với chính sách kéo dài thời gian làm việc theo Nghị định số 141/2013/NĐ-CP, sẽ dẫn đến việc các đối tượng này làm việc đến 68, 70, 72 tuổi (Nếu là TS, PGS, GS nam), 65, 67, 70 tuổi (Nếu là TS, PGS, GS nữ). Đây là điều gây khó khăn cho khá nhiều cơ sở đào tạo, nhất là trong công tác nhân sự.
>> Bài viết cùng chủ đề:
>> Nhân viên thiệt nếu tăng tuổi nghỉ hưu vì doanh nghiệp thích người trẻ
>> 'Tăng tuổi nghỉ hưu để cân bằng quỹ Bảo hiểm Xã hội là không hợp lý'
Chưa kể, trong bối cảnh dư luận đang lên tiếng về câu chuyện "lợi ích nhóm", về "tư duy nhiệm kỳ", việc tăng tuổi nghỉ hưu liệu có thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội? Hay có thể dẫn đến nguy cơ "đục nước béo cò" của những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn...
Tăng tuổi nghỉ hưu có thể sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách, do mức lương của những người công tác nhiều năm sẽ cao. Đối với quỹ bảo hiểm xã hội, từng có những giai đoạn dài kết dư, tuy nhiên, một vài năm trở lại đây xuất hiện tình trạng bội chi.
Nhưng nguồn quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa được khai thác triệt để. (Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 31/10/2018 toàn quốc có 14,19 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 251 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện). Chúng tôi tin rằng, nếu huy động sự tham gia của khu vực bảo hiểm tự nguyện, đồng thời nâng mức đóng bảo hiểm sẽ giải quyết được phần nào nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.
Một số quốc gia phát triển khi đối mặt với tình trạng lão hoá dân số cũng lâm vào tình trạng bội chi quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, tại các quốc gia đó, người dân tham gia đóng bảo hiểm y tế là bắt buộc. Mức trần chi trả của bảo hiểm y tế là 100%.
Ở Việt Nam, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế chiểm 87,62% dân số. Để tránh nguy cơ bội chi quỹ bảo hiểm y tế, cần cân đối mức sàn chi cho việc khám chữa bệnh bằng BHYT. Đây cũng là cách tránh các hiểm hoạ đạo đức từ người tham gia bảo hiểm (ví dụ việc lạm dụng hoặc trục lợi từ BHYT).
Nói như vậy không phải người viết phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu. Trong xu thế phát triển và đặc biệt khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng cao, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ phải được tính đến.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Con khỉ thứ 100' và sự xuống cấp của văn hoá
>> 'Người Việt bán cái mình có, không bán cái khách hàng cần
Điều quan trọng là khi đề xuất một chính sách gây tác động mạnh mẽ, sâu sắc và lâu dài đến cả cộng đồng, đòi hỏi các nhà quản lý phải cân nhắc, tính toán, chọn thời điểm hợp lý với những bước đi chắc chắn nhất, lường trước những rủi ro, nguy cơ có thể xảy ra để chủ động giải quyết, tránh hiệu ứng tiêu cực trong xã hội. Chính sách tăng tuổi nghỉ hưu cũng không nằm ngoải những yêu cầu đó.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.