Ý kiến này được ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, chia sẻ tại hội thảo về tăng cường nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người, diễn ra tại TP HCM ngày 22/3. Đây cũng là nguyên tắc mà Mỹ, Nhật và nhiều nước châu Âu đang áp dụng.
"Hiện còn nhiều cơ sở y tế nghĩ rằng nguồn tạng hiến là do tự mình vận động được", ông Phúc nói. Trong khi đó, để có nguồn tạng hiến ghép cần sự liên kết của cả hệ thống chính sách, ngành y tế, từ hoạt động về chuyên môn đến truyền thông vận động, mới đạt được.
Ông Phúc nói rằng đã xảy ra trường hợp gia đình người hiến tạng phản ánh cơ sở y tế cam kết cho biết tất cả những người nhận tạng là ai. "Cam kết này nếu có, là không hợp pháp. Luật quy định rõ thông tin người hiến và người nhận tạng phải bảo mật, trừ trường hợp hai bên mong muốn gặp nhau", ông Phúc nói.
Năm 2013, Chính phủ ban hành nghị định, quy định phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép mô, bộ phận cơ thể, trừ trường hợp có sự thỏa thuận của các bên hoặc pháp luật có quy định khác. Mức phạt này đồng thời áp dụng cho các hành vi môi giới mua bán bộ phận cơ thể người, lấy bộ phận cơ thể không tái sinh ở người sống khi chưa có ý kiến bằng văn bản của hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người.
Ông Phúc nhấn mạnh, bệnh nhân ghép tạng phải được tôn trọng, bảo vệ, chăm sóc, như một bệnh nhân cần ưu tiên đặc biệt, chứ không phải suốt đời phải mang ơn người hiến. "Mang ơn là chuyện cá nhân, của từng người, không thể cụ thể hóa thành luật, bắt buộc họ phải như vậy", ông Phúc nói. "Trừ khi người hiến tạng đồng ý công khai thông tin lên báo đài, người nhà tự tìm đến".
Đã có nhiều cuộc hội ngộ giữa gia đình người hiến tạng và người nhận tạng.
Cuối năm 2018, trong chương trình "Cho đi là còn mãi" nhân kỷ niệm thành lập Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, chị Nguyễn Thị Thu Hằng, 26 tuổi, ở Thái Bình, xúc động khi bất ngờ gặp được ông Trần Tuấn, 52 tuổi, ở Thừa Thiên Huế - người đang mang trái tim người chồng đã khuất của chị.
Sáu tháng trước đó, chồng chị Hằng không may bị tai nạn giao thông, chết não, gia đình quyết định hiến tặng mô tạng. Trái tim của anh được vận chuyển từ Hà Nội vào Huế, cứu sống ông Tuấn. Những mô tạng còn lại cũng được chuyển ghép cho 5 người khác. Sau ca ghép tim, ông Tuấn khỏe mạnh, nỗ lực tìm kiếm gia đình người hiến, từng đăng tải thông tin lên Facebook cá nhân nhưng không tìm được.
Tháng 3/2018, cuộc gặp gỡ của gia đình bé Hải An với hai người được ghép giác mạc mang đến nhiều xúc động. Bé Hải An qua đời vì căn bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa. Mẹ bé và gia đình quyết định hiến tặng giác mạc của bé. Từ 1.000 hồ sơ chờ ghép giác mạc, cụ bà 73 tuổi và người đàn ông 42 tuổi được chọn. Hai người sau đó đã đến nhà thắp nhang cho bé.
Nghĩa cử cao đẹp của bé Hải An và gia đình khiến nhiều người xúc động. Câu chuyện về bé truyền cảm hứng cho nhiều người đăng ký hiến tạng. Trong lễ tang của bé, Bộ trưởng Y tế khi đó là bà Nguyễn Thị Kim Tiến nói lời từ biệt: "Bé đã làm được một điều khó tin nhưng là sự thật".
Tháng 5/2018, nữ bệnh nhân 46 tuổi sau khi xuất viện sau ca ghép tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đã bày tỏ mong muốn được thắp nén hương cho người hiến tạng. Những nhịp đập từ trái tim người đàn ông chết não xa lạ trong lồng ngực đã giúp hồi sinh cuộc đời chị. Nguyên tắc là người nhận tạng và người hiến tạng không được biết nhau để tránh những phát sinh tiêu cực. Song vợ chồng chị luôn nuôi ý định sẽ tìm gia đình người đã tặng trái tim để nói lời cảm ơn gia đình.
Năm 2010, Việt Nam bắt đầu triển khai ghép tạng từ người hiến chết não. Theo Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, mỗi năm vận động được khoảng 10 người chết não hiến tặng mô tạng. Năm 2019 nhiều nhất, có 20 người chết não hiến tạng. Từ nguồn hiến này, khoảng 300 người được ghép phổi, gan, thận, tim, giác mạc... trong hơn 10 năm qua.
Đến cuối năm 2020, cả nước có 40.257 trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não, trong đó đăng ký tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia là 22.257 trường hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy là 18.000 người.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Việt Nam đã làm chủ được phần lớn các kỹ thuật ghép tạng triển khai trên thế giới, như ghép gan, ghép khối tim phổi, tụy - thận... Mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, lượng người tiềm năng hiến tạng chết não vẫn còn rất nhiều. Để tận dụng tốt cơ hội nhận tạng từ người hiến chết não, cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế chẩn đoán chết não mở hơn, quy định về độ tuổi hiến tạng, cơ chế đảm bảo tài chính cho người được hiến tạng...