Ngôi nhà trong con hẻm nhỏ thành phố Biên Hoà, Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến không sửa soạn gì nhiều cho hai mùa Tết sau ngày chồng qua đời. Tiếp các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy từ TP HCM đến thăm dịp năm mới, bà vẫn chưa nguôi nghẹn ngào khi nhắc chuyện đã qua.
Khi chồng bị chết não nằm điều trị trong Bệnh viện Chợ Rẫy vào năm 2016, bà Yến được bác sĩ tư vấn về việc hiến tạng. Con trai bà Yến từ Singapore về chăm bố, ngồi ở hành lang bệnh viện và xem màn hình chiếu về việc hiến ghép tạng. Anh đã từng được biết ở nước ngoài việc hiến tạng rất phổ biến. Được mẹ trao đổi về gợi ý của các bác sĩ, sau một ngày bàn bạc với em trai, anh khuyên mẹ đồng ý vì bố đã không còn cách cứu sống.
Ngày đưa thi thể của chồng về lo tang lễ, bà Yến đối mặt với sự nghi ngờ của gia đình chồng và hàng xóm. “Mấy chị em bên chồng làm ầm ĩ tại đám tang, hàng xóm bàn tán, đến cả những người bán vé số ngoài đầu hẻm cũng đồn đại tôi bán tạng của chồng kiếm tiền tỷ”, bà Yến nói.
Nỗi đau mất chồng dồn dập với sự khủng hoảng tinh thần từ người thân, dư luận khiến bà Yến kiệt quệ. Bà hầu như không ăn uống được, trải qua những tháng ngày triền miên trong nước mắt, phải nhiều lần nhập viện truyền nước biển. Bà tự trách bản thân, dằn vặt con trai tại sao lại khuyên mẹ hiến tạng bố. Dù biết là làm việc tốt cho đời nhưng khi ấy không ít lần bà cảm thấy hối hận, "ước gì đừng hiến tạng chồng để không cay đắng dai dẳng như thế".
May mắn không đối mặt với sự nghi ngờ xung quanh, người mẹ nghèo Võ Thị Ánh Phụng trọ tại quận 2, TP HCM âm thầm trở về nhịp sống thường ngày sau biến cố lớn. Cách đây gần hai năm, cậu con trai 20 tuổi của chị Phụng bị tai nạn giao thông chết não. Không hiểu nhiều về việc hiến ghép tạng nhưng khi bác sĩ giải thích về việc cứu được nhiều người khác, chị Phụng đồng ý. Quả tim, gan, hai thận, hai giác mạc của chàng trai đã được đưa đi xuyên Việt ra Hà Nội giúp hồi sinh 6 cuộc đời khác.
Mấy mẹ con chị từ Bến Tre lưu lạc lên Sài Gòn làm thuê làm mướn nhiều năm nay, con trai là trụ cột chính trong gia đình chị. “Đi làm phụ hồ mỗi tháng được nhiêu tiền con đều đem về lo cho mẹ trang trải các chi phí”, chị Phụng nhớ lại. Biết được hoàn cảnh khó khăn của mẹ con chị Phụng, nhiều mạnh thường quân đã giúp đỡ. Cậu em trai 6 tuổi chưa từng học mẫu giáo được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ đến trường, nay đã biết làm toán, đánh vần thành thạo.
Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết cuộc sống của mỗi gia đình đã hiến tạng người thân là một câu chuyện dài. Trước đây có gia đình sau khi hiến tạng, lúc đưa thi thể trở về bị người thân phản đối không cho làm đám tang phải dựng chòi ngoài vườn để lo chuyện hậu sự. Người mẹ sau đó cũng không chịu nổi áp lực phải bỏ xứ đi làm ăn xa.
Rút kinh nghiệm từ trường hợp đó nên sau này bác sĩ Thu cùng các nhân viên bệnh viện thường có mặt ngay ở lễ tang người hiến tạng để động viên, giải thích, minh chứng cho việc làm thiện nguyện cứu người. Quan niệm "chết phải toàn thây" khiến nhiều thân nhân người chết não thường phản ứng tiêu cực với việc hiến tạng.
Theo bác sĩ Thu, với hàng chục nghìn bệnh nhân đang chờ đợi được ghép tim, gan, phổi, tụy, thận, giác mạc... trên cả nước, quá trình thuyết phục cộng đồng đăng ký và đồng ý hiến tạng vẫn còn muôn vàn thách thức. Khó khăn nhất trong ghép tạng hiện nay đối với các bác sĩ Việt không phải vấn đề kỹ thuật mà là sự khan hiếm nguồn hiến mô, tạng. Mỗi lần nhận được sự đồng ý của một người hiến tạng là một lần hàng trăm con người chạy đua để kịp thời sử dụng một cách hiệu quả, toàn vẹn, công tâm.
Chấp nhận hiến tạng của người thân, gia đình người hiến đã dũng cảm vượt qua nỗi đau và những quan niệm truyền thống. Để vượt qua cú sốc "không nghĩ đời mình lại gặp phải", bà Yến đi chùa nhiều hơn và được các sư thầy khuyên giảng. Bà ngộ ra rằng chỉ cần mình làm đúng lương tâm, mấy mẹ con biết với nhau được, không cần quá đặt nặng quan tâm đến xung quanh. “Càng phân trần giải thích chỉ càng khiến người ta nghi ngờ thêm”, bà Yến nhận ra.
Tấm kỷ niệm chương của Bộ Y tế, bằng khen tri ân của bệnh viện... sau khi hiến tạng người thân được bà Yến đặt trang trọng trên tường phòng khách, như một sự trân trọng và minh chứng cho tâm đức cứu người của chồng.
Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập tháng 6/2014. Số đơn đăng ký tự nguyện hiến tạng khi qua đời đến năm 2017 là 4.881 đơn. Năm qua bệnh viện nhận được quyết định tình nguyện hiến tạng của 10 gia đình người bệnh chết não, tim ngừng đập. Sau khi kiểm tra thông số về y học, đơn vị tiếp nhận 4 trường hợp gồm 6 thận, 2 gan, một tim và 3 giác mạc. Hiện 12 người được ghép các bộ phận tạng hiến tặng này đều có sức khỏe ổn định. Họ tên và ngày mất của người hiến tạng được gửi vào chùa để cầu siêu. |