Ngày 27/2, vợ chồng anh Võ Thanh Hải và Trần Thị Thu Hiền cùng đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), đăng ký hiến tạng. Cả hai đều là quân nhân. Anh Hải công tác tại Học viện Kỹ thuật quân sự, chị Hiền làm việc tại Học viện Quốc phòng. Hai vợ chồng cho biết câu chuyện bé gái Hải An 7 tuổi hiến giác mạc sau khi qua đời vì ung thư đã tạo động lực cho họ.
Giống như vợ chồng anh Hải và chị Hiền, rất nhiều người đã đăng ký hiến tạng sau câu chuyện xúc động về bé Hải An.
Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, những ngày qua rất nhiều người đã đến Trung tâm đăng ký hiến tạng. Số lượng cuộc gọi tới đường dây nóng và thư gửi qua đường email của Trung tâm để xin tư vấn về thủ tục thực hiện cũng tăng gấp nhiều lần bình thường. Kể từ hôm 24/2, có gần 100 email gửi tới và rất nhiều cuộc gọi nhờ tư vấn. Hai ngày nghỉ cuối tuần Trung tâm chỉ nhận tư vấn qua email và qua điện thoại. Riêng trong hai ngày đầu tuần đã có khoảng 20 người đến trực tiếp đăng ký. Bình thường mỗi ngày chỉ có 1-2 người đến đăng ký, thậm chí có ngày không có trường hợp nào.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, có nhiều tấm gương về hiến tạng khác không được biết tới bởi gia đình không muốn xuất hiện. Đây là một trong những rào cản lớn đối với công tác truyền thông, vận động hiến mô, tạng hiện nay. Nhiều người có người thân hiến tạng sau khi chết, chết não đã rất khổ sở với những điều tiếng, dư luận... Chủ yếu họ bị mang tiếng "bán" tạng của người thân.
Với các gia đình hiến tạng, ngoài mục đích cứu người, làm việc thiện thì mong muốn cháy bỏng của họ là để người thân vẫn còn được hiện diện trên đời; để họ được tiếp tục sống dù là trong cơ thể của một người xa lạ. “Đó chính là tình yêu của những người còn lại đối với người ra đi, mà tình yêu của mẹ Hải An dành cho cô bé là một hiện hữu rất rõ ràng”, một cán bộ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ.
Chiều 22/2, bé Hải An qua đời vì bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa - một căn bệnh hiếm gặp ở trẻ em. Mẹ bé và gia đình quyết tặng hiến tặng giác mạc của bé để trao ánh sáng cho những người khác.
Trong lễ tang của bé ngày 24/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi lời từ biệt. Bộ trưởng viết “Bé đã làm được một điều khó tin nhưng là sự thật”.
Ngày 26/2, hai người đã được ghép giác mạc hiến tặng của bé Hải An là một cụ bà 73 tuổi và một bệnh nhân nam 42 tuổi. Hiện cả hai đều tiến triển tốt về khả năng nhìn.
Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép. Từ năm 2006 đến nay cả nước có hơn 1.000 người được ghép mô, tạng; trong đó nguồn mô, tạng chủ yếu từ người đang sống, người thân hiến một quả thận, một phần gan; nguồn tạng từ người cho chết não rất ít.
Mỗi ngày tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có 2-3 bệnh nhân chết não có thể hiến tạng nhưng số hiến tạng rất ít. Trong khi đó, một người chết não hiến tặng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.
Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Những người cao tuổi có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.
Hiện có hai địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời là Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).