Ông Giang ngại ngần đi vào phòng khám của Bệnh viện Da liễu, TP HCM, xin được gặp riêng bác sĩ. Được bác sĩ trấn an, người đàn ông cho biết có một vết loét ở cổ dương vật gây đau rát. Lúc đầu nghĩ vết loét do bị nóng hoặc hăm nhưng đã 3 ngày không khỏi, ông sợ nên mới đi khám. Bác sĩ nghi ngờ mắc bệnh tình dục, ông Giang thú thật có quan hệ với gái bán hoa cách đây vài tháng trong một lần đi công tác xa. Sau đó bác sĩ chỉ định cho làm xét nghiệm, kết quả là dương tính với xoắn khuẩn giang mai. Nhận được kết quả, người đàn ông ở tuổi ngũ tuần thoáng chút ngỡ ngàng rồi ôm mặt thở dài đầy vẻ ân hận.
Bác sĩ đã kê đơn thuốc kháng sinh để uống trong một tuần đồng thời căn dặn bệnh nhân phải tuân thủ liệu trình điều trị và tái khám mới mong khống chế được bệnh. Ông Giang bảo điều lo lắng nhất bây giờ là vợ có nguy cơ lây bệnh bởi quan hệ cách đây 3 tuần. "Bây giờ tôi mà khuyên bà xã đi khám và điều trị thì phải nói sự thật, chỉ sợ bà ấy sốc và đòi ly dị. Có cách gì kiểm tra bệnh và điều trị cho vợ tôi nhưng đừng để bà ấy biết?", người đàn ông nài nỉ bác sĩ.
Bác sĩ cho biết không có cách nào để chữa trị ngoài việc nói sự thật cho người vợ để hiểu đúng vấn đề đang gặp phải mới mong hợp tác điều trị nhằm khống chế bệnh. Bác sĩ khuyên ông Giang nên thuyết phục vợ nên đi khám và chữa sớm. Giang mai có thể lây truyền từ mẹ sang con, trẻ sinh ra có thể mắc bệnh này bẩm sinh nếu không biết cách theo dõi và dự phòng kịp thời. Khi đã nhiễm giang mai còn phải làm thêm rất nhiều xét nghiệm về các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Chị Phùng ở quận Bình Thạnh, TP HCM, gần đây thường xuyên bị đau đầu, mệt mỏi, đau nhức trong xương. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị giang mai giai đoạn cuối. Các gôm giang mai đã xuất hiện ở dây thần kinh và xương. Cầm tờ xét nghiệm trong tay, người phụ nữ lắc đầu không tin bởi lâu nay không hề thấy biểu hiện của bệnh thì làm sao giai đoạn cuối được.
Chị Phùng đưa chồng đến nhờ bác sĩ tư vấn. Bà mẹ một con luôn khẳng định chưa từng một lần có quan hệ ngoài luồng và hoàn toàn tin tưởng chồng. Bác sĩ cho biết nhiều khả năng chồng chị đã bị giang mai trong giai đoạn bệnh ẩn nên không có biểu hiện. Bác sĩ chỉ định cho chồng chị Phùng làm xét nghiệm, kết quả đúng là dương tính với giang mai. Bản thân anh cũng ngỡ ngàng và không nhớ nổi vì sao mình lại lây bệnh này. Người đàn ông bảo: "Có thể tôi mắc bệnh từ trước khi cưới vợ vì thời thanh niên từng quan hệ tình dục vài người". Người vợ ôm mặt khóc bước ra khỏi phòng khám.
Các bác sĩ bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết hầu hết bệnh nhân bị giang mai đều được kê toa thuốc kháng sinh phù hợp với giai đoạn bệnh đồng thời khuyến cáo điều trị cho bạn tình. Các cặp đôi này cần phải làm thêm những xét nghiệm liên quan phản ứng huyết thanh và dịch tiết từ tổn thương, đồng thời kiểm tra tình trạng nhiễm các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục khác như HIV, siêu vi viêm gan B, C, lậu, hạ cam...
Giang mai là bệnh lây qua đường tình dục gây ra bởi vi khuẩn Treponema pallidum (còn gọi là xoắn khuẩn giang mai). Loại khuẩn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dây thần kinh, mô cơ và não. Giang mai có đường lây tương tự các bệnh xã hội khác và truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với một vết loét giang mai. Những vết loét có thể xuất hiện bên ngoài dương vật, ngoài và trong âm đạo, hậu môn, trực tràng, thậm chí trên môi và trong miệng nếu người đó có thói quen quan hệ tình dục bằng miệng.
Bệnh có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên nếu không được chẩn đoán đúng cách và chữa trị sớm, có thể gây biến chứng cho tim, não, động mạch chủ, xương, một số trường hợp dẫn đến tử vong. Do đó khi thấy vết loét nào ở bộ phận sinh dục hay bất kỳ vị trí nào có tiếp xúc tình dục không an toàn cần phải đi khám bệnh và làm xét nghiệm đầy đủ.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ mắc bệnh giang mai gia tăng ở Mỹ, Anh, Australia và châu Âu, chủ yếu trên đối tượng đồng tính nam với đặc điểm quan hệ tình dục ngả hậu môn. Giang mai hậu môn được xem là một vấn nạn mới. Thống kê riêng ở Mỹ vào năm 2013 ghi nhận có đến 75% ca mắc bệnh giang mai mới là người đồng tính.
Hiện chưa có văcxin ngừa giang mai hiệu quả. Do vậy, để phòng bệnh tốt nhất không nên quan hệ tình dục hay tiếp xúc vật lý trực tiếp với người bị giang mai. Sử dụng bao cao su đúng cách cũng góp phần hạn chế lây nhiễm.
Minh Đức - Thi Trân
* Tên nhân vật đã được thay đổi