Bệnh giang mai được ghi nhận tại Trung Quốc vào thời vua Đồng Trị (1856-1875), tức Thanh Mục Tông. Đây là vị hoàng đế thứ 10 của nhà Thanh, được cho là ham mê nhục dục đã tìm đến gái làng chơi và bị lây bệnh giang mai. Ông qua đời khi mới 20 tuổi. Vị vua này là con của Từ Hy Thái Hậu.
Theo một số tài liệu ghi chép thời đó, 3.000 giai nhân trong cung cũng chưa đủ để thỏa mãn lòng dục của Hoàng đế Đồng Trị. Đêm đêm ông thường dẫn theo Thái giám Châu Đạo Anh ra ngoài cung, đến một nơi tập trung gái lầu xanh ở phía Nam kinh thành để tìm kiếm thú vui thân xác, đến gần sáng mới trở về cung. Sau những chuyến "vi hành ô nhục" ấy, Đồng Trị bị lây bệnh hoa liễu. Từ những triệu chứng được mô tả chi tiết, người đời sau nhận định ông mắc bệnh giang mai.
Giang mai thuộc nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục, "thủ phạm" là xoắn khuẩn Treponema pallidum hay xoắn khuẩn giang mai. Tên nguyên thủy của bệnh là Syphilis, được miêu tả bởi một bác sĩ đồng thời là nhà thơ người Italy Girolamo Fracastoro, trong sử thi tiếng La tinh viết vào năm 1530 với tiêu đề Syphilis sive gallicus (bệnh giang mai của người Pháp). Nhân vật chính của bài thơ là một người chăn cừu tên Syphilus, do quan hệ tình dục mà bị lây bệnh này. Từ đó Syphilus được biết đến là người đầu tiên mắc giang mai. Trong sử thi, tác giả đã để cho Syphilus bị thần Apollo trừng phạt.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 1999 toàn cầu có 12 triệu người nhiễm giang mai, trong đó hơn 90% ở các nước đang phát triển. Bệnh gây ảnh hưởng xấu lên từ 700.000 đến 1.600.000 thai phụ mỗi năm dẫn đến hệ lụy sảy thai tự nhiên, thai chết lưu và giang mai bẩm sinh. Trong vùng Sahara ở châu Phi, giang mai gây tử vong khoảng 20% trẻ sơ sinh.
>> Xem thêm Các giai đoạn của bệnh giang mai
Minh Đức - Thi Trân