Trong 5 năm qua, Seoul đã theo đuổi chính sách mềm mỏng, thiên về đối thoại với Bình Nhưỡng, làm trung gian cho các cuộc gặp thượng đỉnh cấp cao giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump. Hàn Quốc cũng giảm bớt các cuộc tập trận chung với Mỹ mà Triều Tiên coi là hành động khiêu khích.
Đối với tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 10/3 với kết quả sít sao, cách tiếp cận này là một thất bại.
Ông Yoon viết trong một bài đăng trên Facebook trước cuộc bầu cử rằng chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Moon Jae-in đã "tình nguyện đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Triều Tiên nhưng cuối cùng đã bị cả hai bên gây thất vọng".
Kể từ đầu năm, Bình Nhưỡng đã tiến hành 9 vụ thử tên lửa, trong đó có cả tên lửa siêu vượt âm và tên lửa đạn đạo tầm trung bị cấm.
Sau khi Bình Nhưỡng phóng thứ mà họ tuyên bố là một bộ phận vệ tinh do thám hôm 5/3, ông Yoon, 61 tuổi, nói rằng cần phải đối phó với lãnh đạo Triều Tiên. Hàn Quốc nói vật thể Bình Nhưỡng phóng là tên lửa đạn đạo ngụy trang.
"Nếu cho tôi cơ hội, tôi sẽ dạy ông ta một bài học", ông quả quyết.
Trong chiến dịch tranh cử, ông gọi ông Kim là một "gã thô lỗ" và cam kết rằng một khi lên nắm quyền, ông sẽ khiến lãnh đạo Triều Tiên phải thay đổi.
Cựu công tố viên Hàn Quốc đe dọa sẽ tấn công phủ đầu Triều Tiên "nếu cần thiết", điều mà các nhà phân tích đánh giá là phi thực tế và nguy hiểm.
Dù vậy, ông Yoon hôm qua khẳng định sẽ "nghiêm khắc đối phó với các hành vi phi pháp và phi lý của Triều Tiên", trong những bình luận đầu tiên sau khi đắc cử.
"Dưới chính quyền Yoon, chúng ta có thể sẽ nhìn thấy những nỗ lực nhằm thiết lập lại quan hệ liên Triều", Soo Kim từ RAND Corporation nhận xét. Thay vì đối thoại và thuyết phục, tân Tổng thống Yoon sẽ có quan điểm cứng rắn hơn, khi ông đã kêu gọi tổ chức nhiều cuộc tập trận chung hơn với Mỹ.
"Đây là một khác biệt lớn so với ưu tiên của chính quyền cựu tổng thống Moon là đối thoại", bà cho biết thêm.
"Tình đơn phương" của Hàn Quốc với Triều Tiên dưới thời ông Moon sẽ chấm dứt, giáo sư Park Won-gon từ Đại học Phụ nữ Ewha bình luận.
"Chắc chắn ông Yoon sẽ muốn đưa vấn đề phi hạt nhân hóa vào chương trình nghị sự, trái ngược với chính sách ngoại giao mang tính từng phần, từng giai đoạn mà người tiền nhiệm của ông theo đuổi", bà suy đoán. "Khả năng cao là Triều Tiên sẽ nói không".
Ông Yoon thậm chí còn từng đề xuất mua thêm một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) từ Mỹ để đối phó với Triều Tiên, bất chấp rủi ro rằng hành động này có thể khiến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, tung ra đòn trả đũa kinh tế.
"Seoul cũng phải sửa chữa lại mối quan hệ phức tạp của mình với Bắc Kinh", ông Yoon nói trong một tuyên bố chính sách trên tạp chí Foreign Affairs hồi tháng trước.
Ông Moon đã gặp ông Kim 4 lần và làm trung gian cho những hội nghị cấp cao giữa Bình Nhưỡng và Washington. Nhưng các cuộc đàm phán đã sụp đổ vào năm 2019 và nỗ lực ngoại giao đã bị đình trệ khi Bình Nhưỡng tăng cường thử nghiệm vũ khí, đồng thời đe dọa phá vỡ lệnh cấm thử tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân.
Tân Tổng thống Yoon không loại trừ khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng, nhưng các nhà phân tích nhận định lập trường cứng rắn của ông đặt Hàn Quốc vào một vị thế hoàn toàn khác và làm giảm đáng kể triển vọng gắn kết thực chất.
Theo nhà nghiên cứu Hong Min của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, Bình Nhưỡng sẽ cho rằng họ "không được lợi ích gì" khi đối thoại với một chính quyền cứng rắn ở Seoul.
Giữ căng thẳng trên bán đảo ở mức cao sẽ có lợi cho Triều Tiên, tạo động lực để nước này duy trì chương trình hiện đại hóa quân đội của ông Kim.
"Triều Tiên sẽ tăng nhịp độ phát triển hạt nhân và tên lửa, đồng thời đổ lỗi cho chính phủ cứng rắn của Hàn Quốc để hợp thức hóa những hành động của mình", chuyên gia Hong Min lưu ý.
Vũ Hoàng (Theo AFP)