Trả lời:
Ngoài việc siêu âm, bác nên đến bệnh viện để được làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán như chụp thận tĩnh mạch (UIV) để xác định chính xác vị trí của sỏi, đồng thời đánh giá được chức năng bài xuất của thận. Khi cần thiết, các bác sĩ có thể cho chụp thận ngược dòng (UPR) để khu biệt vị trí sỏi hoặc tìm sỏi không cản quang. Chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể, ngoài yếu tố kích thước sỏi chưa quá lớn, còn phụ thuộc vào vị trí và tính chất của sỏi.
Tán sỏi ngoài cơ thể là ứng dụng sóng điện từ có năng lượng cao qua da đánh vỡ sỏi thành từng mảnh nhỏ để chúng theo dòng nước tiểu được thải ra ngoài. Hiện nay, một số bệnh viện ở Hà Nội (Bạch Mai, Việt Đức, Xanh Pôn) có các trung tâm tán sỏi ngoài cơ thể rất uy tín. Bác có thể đến để được khám, chẩn đoán và được tư vấn chi tiết.
Những người bị sỏi thận nên uống nhiều nước (1,5-2 lít/ngày), dùng thức ăn nước uống ít canxi, ít oxalat, ít purin (không ăn một lúc quá nhiều cá, thịt nạc, sữa nhiều canxi, xương sụn). Sỏi thận là một bệnh tiết niệu rất hay gặp, cần phải được xử lý càng sớm càng tốt vì các biến chứng do sỏi có thể dẫn đến phải cắt bỏ thận hoặc tử vong.
BS Hải Nguyễn, Sức Khỏe & Đời Sống