"Chính sách đối ngoại hướng tới giá trị luôn là sự kết hợp giữa đối thoại và cứng rắn", Baerbock, 40 tuổi, thành viên đảng Xanh sắp được bổ nhiệm làm ngoại trưởng trong chính quyền tân thủ tướng Đức Olaf Scholz, nói trong cuộc phỏng vấn hôm 1/12. "Cố tình im lặng không phải là cách thức ngoại giao trong dài hạn, dù một số người đã nhìn nhận như vậy vài năm gần đây".
Baerbock sẽ trở thành nữ ngoại trưởng đầu tiên của Đức sau khi nội các của tân thủ tướng Scholz, thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD), nhiều khả năng tuyên thệ nhậm chức tuần tới. Bà khẳng định sẽ đặt nhân quyền vào trung tâm chính sách ngoại giao, báo hiệu lập trường quyết đoán hơn đối với Trung Quốc và Nga.
Theo Baerbock, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) nên có chung tiếng nói và sử dụng đòn bẩy của khối, như sức mạnh kinh tế lớn trong các thỏa thuận với Trung Quốc.
"Nếu sản phẩm từ khu vực như Tân Cương không được nhập vào châu Âu, đó sẽ là vấn đề lớn đối với quốc gia xuất khẩu như Trung Quốc", bà nói. "Tất nhiên, việc đó sẽ chỉ hiệu quả nếu tất cả 27 quốc gia thành viên của EU đoàn kết cùng nhau".
EU và Mỹ từ lâu cáo buộc Trung Quốc có những hành động vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trong đó có cưỡng ép lao động. Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Baerbock cũng chỉ ra rằng bà không loại trừ khả năng tẩy chay Olympic Mùa đông ở Bắc Kinh đầu năm tới. "Chúng ta nên xem xét kỹ hơn Olympic Bắc Kinh", bà nhấn mạnh. "Có nhiều cách để các chính phủ xử lý vấn đề này và nó chắc chắn sẽ được thảo luận những tuần tới".
Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước cho biết ông đang xem xét không cử quan chức đến dự Olympic Bắc Kinh để phản đối Trung Quốc. Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc về nhân quyền và chỉ trích hành động "chính trị hóa thể thao đi ngược tinh thần Olympic".
Trung Quốc tuần trước cảnh báo chính phủ mới của Đức không can thiệp vấn đề Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, và thực hiện chính sách thân thiện với Bắc Kinh.
SPD đã thành lập liên minh cầm quyền với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) hôm 24/11. Nội các mới của chính phủ Đức có nhiều người được cho là có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
Quan hệ giữa Trung Quốc và EU đang ở mức thấp do căng thẳng về nhiều vấn đề. Hồi tháng 5, Nghị viện châu Âu ngừng phê chuẩn thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc sau khi hai bên áp đặt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau vì vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Một số nước châu Âu cũng đang tìm cách tăng cường mối quan hệ với Đài Loan, hòn đảo Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ chờ thống nhất.
Huyền Lê (Theo AFP)