Một trong những đề tài chúng tôi nói đến gần đây là Lễ hội đường phố (Carnival) tại Nice (Pháp) vào tháng hai. Đây là lễ hội thuộc hàng lớn nhất thế giới và có rất nhiều hoạt động miễn phí cho những người đang sinh sống ở đây. Vé miễn phí nhưng để vào lễ hội, người tham dự phải đặt và nhận vé từ trước cũng như xuất trình vé vào cổng.
Các em thắc mắc, sao đã miễn phí rồi còn "vẽ vời" ra chuyện "đặt và nhận vé", sao không xả cửa tự do? Tôi giải thích cặn kẽ cho sinh viên của mình về tác dụng và ý nghĩa của việc phát hành vé 0 đồng. Câu chuyện này có thể minh họa rõ hơn bằng thực tế vừa diễn ra trong ngày đầu Metro Bến Thành - Suối Tiên được đưa vào vận hành thương mại, hôm 22/12.
Từ sáng sớm, hàng nghìn người đã xếp hàng phía ngoài lối vào nhà ga xuất phát. Trong khi mỗi đoàn tàu có sức chứa 930 hành khách và mỗi giờ có từ năm đến tám chuyến tàu xuất phát. Hàng nghìn người chờ đợi này chắc chắn không phải con số chờ thường trực ở nhà ga một khi Metro đi vào hoạt động ổn định.
Sau mười bảy năm từ ngày dự án được lên kế hoạch và mười hai năm từ ngày khởi công, tuyến metro đầu tiên của TP HCM đã đẩy niềm mong chờ của người dân thành phố lớn nhất nước đến mức cực đại. Việc miễn phí vé trong tháng đầu tiên vận hành là hợp lý, vừa như để tri ân người dân, vừa để mọi người làm quen dần với văn hóa sử dụng metro. Có ý kiến cũng thắc mắc, đã miễn phí, tại sao không mở toang cửa ra vào, mà vẫn soát vé, góp phần gây ùn ứ ngộp thở cho người dân? Tôi hy vọng những giải thích dưới đây có thể phần nào trả lời câu hỏi này.
Thứ nhất, miễn phí vé metro là nhằm tạo điều kiện cho người dân có thời gian làm quen với cách thức vận hành của hệ thống. Hành khách không chỉ tập xác định hướng di chuyển mà còn làm quen với việc lựa chọn, thanh toán và sử dụng vé. Quy trình này nếu tiện lợi sẽ là động lực thúc đẩy sự thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Nếu hệ thống vé bị "gác" lại, cơ hội làm quen hệ thống của hành khách bị bỏ lỡ, cơ hội vận hành thử nghiệm và sửa lỗi của ban quản lý cũng bị bỏ qua.
Thứ hai, việc phát hành vé trong hệ thống giao thông công cộng không chỉ nhằm tạo nguồn thu mà còn là công cụ để nhà quản lý theo dõi và kiểm soát lưu lượng khách. Các thông tin này giúp họ lên kịch bản về phát triển hệ thống, thay đổi lịch chạy tàu cũng như kịch bản đối phó các sự cố trong quá trình vận hành. Trong đó, kịch bản điều tiết lưu lượng hành khách để giảm thiểu sự cố cũng như tạo thuận lợi trong quá trình cứu nạn là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong quá trình vận hành về sau. Thiếu dữ liệu từ những lần quẹt vé của hành khách sẽ làm cho quá trình quản trị rủi ro gặp nhiều khó khăn hơn.
Với hai lý do trên, việc ban quản lý hệ thống phát hành vé miễn phí và vận hành phương tiện đúng quy trình là điều cần thiết, nhằm giúp cả hành khách và ban quản lý đều được làm quen một cách thực tế với các câu chuyện xung quanh metro. Còn đông đúc, ùn ứ, ngộp thở là chuyện khó tránh khỏi và cũng không nên quá nặng lời chỉ trích, xét trên cả hai khía cạnh: tâm lý đám đông của người dân, và sự háo hức dồn nén sau gần 20 năm chờ đợi.
Càng đông, càng nhộn nhạo, càng cần cơ hội để làm quen với quy trình vận hành hiện đại và văn minh của các phương tiện giao thông công cộng trong tương lai.
Tương tự, tôi nghĩ, các sân vận động bóng đá cũng nên phát hành vé 0 đồng trong những trường hợp miễn phí vào cửa; một mặt nâng cao trách nhiệm của khán giả vào sân, mặt khác, giúp ban tổ chức sự kiện có thể quản trị rủi ro hiệu quả.
Vé miễn phí 0 đồng là một món quà văn minh. Xả cửa tự do cũng là một món quà, là "của cho", nhưng cách cho này đem lại ít giá trị cũng như ẩn chứa những rủi ro. Đã đến lúc nhà quản lý cần thay đổi về "cách cho" để vừa tăng giá trị quản lý, vừa giảm rủi ro cho tất cả. Tư duy theo cách rất đơn giản: miễn phí là chi phí phải trả 0 đồng, nhưng không có nghĩa là xả cửa tự do và người thụ hưởng không cần làm gì cả.
Võ Nhật Vinh