Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, người từng giữ vị trí phó lãnh sự tại San Francisco, Mỹ, từ năm 1997 đến 2000, vừa lên đường đảm nhận cương vị Đại sứ Việt Nam tại Mỹ.
Chia sẻ với VnExpress, ông cho biết địa điểm ông muốn quay trở lại thăm nhất chính là văn phòng Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, vì nơi đó chất chứa nhiều cảm xúc và kỷ niệm của mình. Khi đó, hợp tác Việt - Mỹ gặp rất nhiều khó khăn vì mới bình thường hoá quan hệ năm 1995.
"Tôi hình dung rằng khi đến San Francisco bây giờ, tôi có thể đi lại thong dong, ung dung tự tại, vì tình hình đã rất khác, quan hệ hai nước đã tiến xa và nhiều người trong cộng đồng người Việt ở San Francisco, ở California đã trở về Việt Nam để làm ăn và thăm hỏi bà con họ hàng", Đại sứ nói.
Đại sứ Ngọc tiết lộ khi Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2016,Việt Nam đã thực hiện ngay các nỗ lực kết nối, để giữ được đà quan hệ đạt được trong 8 năm dưới thời Tổng thống Barack Obama. Ngày 14/12/2016, khi cuộc điện đàm đầu tiên giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump kết thúc, mọi người mới có thể thở phào, vì đó là bước đi đầu tiên trong việc kết nối với Tổng thống đắc cử Mỹ.
Tiếp đó, Việt Nam bắt tay vào việc chuẩn bị chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ngày 9/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã chuyển bức thư của ông Ngọc gửi tới bà Susan Thornton, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ, một ngày sau khi bà được Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ định vào ngày 8/3. Trong thư, với tư cách là Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông đề nghị được thăm Mỹ và gặp mặt, bà Thornton đã nhận lời và 10 ngày sau ông có mặt ở Mỹ. Đó là cuộc kết nối đầu tiên giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền mới. Một tháng sau, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đến Mỹ, tiền trạm cho chuyến thăm của Thủ tướng. Đến tháng 5 thì Thủ tướng Việt Nam thăm Mỹ "giữa sự ngỡ ngàng và có chút thán phục của các nước ở khu vực", ông cho biết.
"Điều quan trọng là hợp tác hai nước đã đạt đến một ngưỡng mà hai bên đều cảm thấy cần nhau, hợp tác đó có lợi cho nhau. Tôi nghĩ khi Việt Nam tiếp cận với chính quyền của Tổng thống Trump, họ đã hiểu điều đó và đáp ứng sự kết nối của Việt Nam", ông lý giải việc Việt Nam thành công trong việc tiếp cận chính quyền mới của Mỹ một cách nhanh chóng.
Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ Việt - Mỹ hơn 20 năm qua, ông Ngọc ấn tượng nhất với chuyến thăm Việt Nam đầu tiên sau chiến tranh của Tổng thống Mỹ Bill Clinton hồi năm 2000, 5 năm sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ. Khi đó ông Bill Clinton cùng Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton và con gái Chelsea Clinton đã đến thăm Việt Nam trong 4 ngày. Người dân Việt Nam ở cả Hà Nội và TP HCM đều đổ ra đường chào đón Tổng thống Mỹ và gia đình.
Bill Clinton là người công bố dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam do Mỹ áp đặt từ sau năm 1975, đặt nền móng chính thức cho việc bình thường hoá quan hệ song phương Việt - Mỹ, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995 và ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ.
Đại sứ Hà Kim Ngọc đánh giá chuyến thăm Việt Nam của ông Clinton đã giúp xóa bớt những nghi kỵ và từng bước xây dựng lòng tin giữa hai nước. Phải mất 10 năm sau bình thường hóa, năm 2005 Thủ tướng Phan Văn Khải là lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam thăm Mỹ. Nhưng giờ đây Việt - Mỹ có các chuyến thăm thường xuyên hơn, đặc biệt là năm 2017, lần đầu tiên hai nước có hai chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Theo Đại sứ, ở tầm khu vực, Việt Nam và Mỹ cùng chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng, nhất là việc duy trì khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc. Hai nước cũng cùng mong muốn có một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, đóng vai trò trung tâm trong các thể chế ở khu vực.
Về hợp tác song phương, quan hệ kinh tế thương mại đầu tư của hai nước đã có những bước tiến dài, nhiều tập đoàn và công ty của Mỹ hiện thấy Việt Nam là một thị trường đầu tư hấp dẫn, với gần 100 triệu dân và đặc biệt, Việt Nam có mối liên kết kinh tế với khu vực và quốc tế.
Đề cập đến vấn đề thâm hụt thương mại Việt - Mỹ, Đại sứ Ngọc khẳng định Việt Nam không có chính sách hay chủ trương tạo thâm hụt thương mại với Mỹ, đó là do sự vận hành của kinh tế thị trường, hai nền kinh tế cần bổ trợ nhau. Hiện Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp cải thiện cán cân thương mại, một trong những biện pháp là tăng mua các mặt hàng của Mỹ, nhất là các hàng công nghệ cao, các trang thiết bị mà các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư ở Việt Nam nhập về để phục vụ sản xuất. Trong năm 2016 và 2017, xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam có tốc độ tăng nhanh nhất so với các nước Đông Nam Á khác, ở mức 77%.
Một trong các ưu tiên của Đại sứ Ngọc khi đến Mỹ là vận động chính quyền, quốc hội, các bang và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ giữ đà hợp tác kinh tế thương mại đầu tư với Việt Nam, trong bối cảnh đang xảy ra xung đột thương mại Mỹ - Trung. Ông cho rằng Việt Nam phải tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế thương mại bình thường với cả Mỹ và Trung Quốc, vì đây là hai đối tác quan trọng hàng đầu. Việt Nam cũng cần tận dụng các cơ chế hiện có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quan hệ, không để các khó khăn tích tụ thành một dạng cọ xát thương mại.
"Chúng ta cần triệt để thực hiện các thỏa thuận đã đạt được trong các cuộc họp cấp cao giữa hai bên. Như vậy mới tránh việc rơi vào vòng xoáy cọ xát thương mại", Đại sứ nói.
Đại sứ Hà Kim Ngọc sinh năm 1963 tại Hà Nội. Ông công tác trong ngành ngoại giao từ năm 1988, có nhiều kinh nghiệm ngoại giao song phương giữa Việt Nam và các đối tác ở châu Mỹ. Tháng 5/2013, ông được bổ nhiệm chức vụ thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Trước đó, ông từng là Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ châu Mỹ, tham tán tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Trưởng Phòng Quan hệ Bắc Mỹ, Phó lãnh sự, Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, California, Mỹ. Đại sứ đã kết hôn và có hai con. |