"Những diễn biến chính trị trên thế giới thời gian qua có rất nhiều vấn đề vượt ra ngoài dự báo thông thường. Vấn đề là chúng ta có dám nghĩ, dám vượt ra khỏi những tư duy, lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế không", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ thách thức của ngành ngoại giao Việt Nam khi phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 tại Hà Nội sáng nay.
Tổng bí thư lưu ý nhận định của Đại hội XII về "tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường" đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Do đó Việt Nam cần đánh giá kỹ các tác động để không bị động, bất ngờ và có đối sách đúng. Trong thời gian tới, ngành ngoại giao cần xem xét một số vấn đề như môi trường đối ngoại sẽ còn phức tạp, khó lường, các đối tác lớn của Việt Nam đang trong quá trình điều chỉnh chiến lược, bối cảnh thế giới thường xuyên biến động, môi trường chính trị, an ninh, kinh tế khu vực và thế giới đang trở nên bất ổn với tác động nhanh, mạnh và bất ngờ hơn.
"Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ quyết liệt, chính trị cường quyền quay trở lại mạnh hơn, nhất là trong khu vực. Việc thực hiện nhiệm vụ bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định do đó sẽ gặp nhiều thách thức", Tổng bí thư nói.
Với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Tổng bí thư nhận định lợi ích quốc gia trên biển sẽ đứng trước một số thách thức mới, do sự biến động phức tạp của tình hình, sự thay đổi so sánh lực lượng, sự tính toán của các nước có liên quan, sự nổi lên của chủ nghĩa đơn phương, thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Các cơ chế kiểm soát bất đồng, khủng hoảng trong khu vực chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả, các thể chế đa phương khó đạt được lập trường chung đủ mạnh. Tình hình trên thực địa tiếp tục phức tạp, nguy cơ va chạm, đụng độ chưa được đẩy lùi.
Kinh tế đối ngoại có thể sẽ gặp những thách thức mới. Chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Chiến tranh thương mại giữa các nước lớn đang hiện hữu. Vai trò của các thể chế đa phương lớn như WTO, APEC đang bị đe doạ. Hiện nay, vai trò của các thể chế đa phương đang có xu hướng giảm đi trước lối hành xử chính trị cường quyền coi trọng song phương. Một số cơ chế đa phương mới lại có xu hướng phục vụ cạnh tranh nước lớn. Ở trong khu vực, ASEAN vẫn còn nhiều khó khăn trong việc củng cố vai trò trung tâm.
Từ đó, Tổng bí thư khẳng định cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong xử lý quan hệ với các nước cả song phương và đa phương.
"Các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của Việt Nam đòi hỏi Việt Nam phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết ở trong khu vực", Tổng bí thư nêu rõ, cho rằng đổi mới phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn.
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược của mình với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc.
"Trong việc bảo đảm môi trường hoà bình thì một trong những yêu cầu then chốt là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt xử lý đúng đắn mọi vấn đề phức tạp trong đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Ngoại giao là những người đi đầu. Trước những diễn biến của tình hình thế giới như đã nói ở trên, việc thực hiện nhiệm vụ bao trùm này sẽ có nhiều thách thức trong thời gian tới", Tổng bí thư cảnh báo.
Việt Nam cũng cần thể hiện vai trò trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh khu vực, chuẩn bị các điều kiện để hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế, trọng tâm là các cam kết trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, CPTPP, WTO.
Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị ngoại giao lần thứ 30, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng khẳng định tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang có nhiều biến động. Sự điều chỉnh chính sách và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa dân túy, thực dụng tăng cao khiến cục diện an ninh ngày càng bấp bênh hơn. Sự vận động, đấu tranh giữa các trào lưu, xu thế cũ và mới diễn ra hết sức gay gắt. Tình hình Biển Đông vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa an ninh và ổn định ở khu vực cũng như quyền và lợi ích chính đáng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Trong khi tình hình thế giới và khu vực đang chuyển động rất nhanh và khó lường, thì Việt Nam đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh hội nhập sâu rộng. Bên cạnh các thành tựu quan trọng đã đạt được từ sau Hội nghị Ngoại giao 29, vẫn còn nhiều việc ngành ngoại giao còn có thể làm tốt hơn nữa, nhất là về công tác dự báo chiến lược.
"Bối cảnh đó đòi hỏi ngành ngoại giao phải liên tục thích ứng, sáng tạo trong tư duy, hiện đại trong cách làm, chú trọng tính hiệu quả để triển khai các chủ trương, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng", Phó thủ tướng nói.
Với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam: chủ động, sáng tạo, hiệu quả thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII", Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 có khoảng 700 đại biểu tham dự, trong đó có cán bộ của Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Các nội dung thảo luận chính gồm đánh giá tình hình thế giới, khu vực từ Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 năm 2016 đến nay, các vấn đề đối ngoại có tác động lớn đến môi trường an ninh - phát triển của đất nước, tổng kết việc triển khai các nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội XII, định hướng công tác đối ngoại trong 3 năm tới. Các đại biểu cũng sẽ chuẩn bị cho việc Việt Nam đảm nhiệm các trọng trách quốc tế quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020, ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Hội nghị sẽ kéo dài đến ngày 17/8.