"Tôi muốn tăng cường quan hệ Trung - Mỹ trong thời điểm nhiều khó khăn và thách thức nghiêm trọng. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc để tăng cường đối thoại, xử lý những bất đồng và mở rộng hợp tác nhằm đưa mối quan hệ hai nước trở lại đúng hướng", tân Đại sứ Trung Quốc Tạ Phong phát biểu sau khi đến sân bay JFK ở New York hôm 23/5 để nhận công tác.
Ông Tạ Phong sinh tại tỉnh Giang Tô vào tháng 4/1964. Sau khi tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Trung Quốc năm 1986, ông bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ba năm sau, ông được cử tới đại sứ quán Trung Quốc tại Malta.
Kinh nghiệm về quan hệ Mỹ - Trung của Tạ Phong bắt đầu khi ông được bổ nhiệm vào Vụ Các vấn đề Bắc Mỹ và châu Đại dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 1993. Ông làm việc ở đây trong 7 năm, trước khi được cử đến đại sứ quán Trung Quốc tại Washington năm 2000.
Ông Tạ làm việc tại đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ gần ba năm và chủ yếu tập trung vào các vấn đề của quốc hội Mỹ. Sau đó, ông chuyển sang quản lý truyền thông cho đại sứ quán và trở thành người phát ngôn của cơ quan này.
Ông Tạ Phong trở về Bắc Kinh năm 2003, tiếp tục làm việc trong Vụ Các vấn đề Bắc Mỹ và châu Đại dương với vai trò vụ phó, trước khi quay lại Mỹ làm tham tán cho đại sứ quán Trung Quốc tại Washington. Vào tháng 10/2010, ông trở lại Bộ Ngoại giao Trung Quốc và đảm nhận chức vụ trưởng Vụ Các vấn đề Bắc Mỹ và châu Đại dương.
Năm 2014, ông Tạ được bổ nhiệm làm đại sứ Trung Quốc tại Indonesia. Trong ba năm nhiệm kỳ ở Jakarta, ông đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ của Bắc Kinh với quốc gia Đông Nam Á, góp phần đảo chiều quan điểm của Indonesia với Trung Quốc, giúp hai nước trở thành đối tác thân thiết.
Từ tháng 6/2017 tới tháng 1/2021, ông Tạ được thăng cấp lên vị trí Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề về Hong Kong, sau đó tham gia vào nỗ lực hòa giải giữa châu Mỹ và Trung Quốc. Tháng 5/2021, ông hộ tống phái đoàn lớn các nhà ngoại giao Mỹ Latinh tới thăm Tân Cương.
Hai tháng sau, ông Tạ gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman trong chuyến thăm của bà tới Trung Quốc. Ông trình bày với bà Sherman danh sách các vấn đề mà Bắc Kinh muốn Washington giải quyết để giảm căng thẳng song phương.
Danh sách này gồm các yêu cầu Mỹ từ bỏ luận điệu bôi nhọ cũng như các biện pháp trừng phạt Trung Quốc. Bắc Kinh cũng yêu cầu Washington bỏ các cáo buộc chống lại giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, người lúc đó bị quản thúc ở Canada chờ dẫn độ về Mỹ.
Tháng 8/2022, khi Trung Quốc tức giận với chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi, ông Tạ đã hai lần triệu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Nicholas Burns.
Ông cũng có mặt trong phái đoàn Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bali hồi tháng 11/2022. Thứ trưởng Tạ còn tham gia thảo luận với các quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ về chuyến thăm Bắc Kinh dự kiến của Ngoại trưởng Antony Blinken.
Ông Tạ được cử đến Mỹ đảm nhận ghế đại sứ vào thời điểm mối quan hệ hai nước chạm mức thấp nhất trong 50 năm do căng thẳng liên quan tới thương mại, Đài Loan, sự cố bắn hạ khí cầu.
Trong bài phát biểu hồi tháng 3, Chủ tịch Tập Cận Bình cáo buộc Mỹ và các nước phương Tây tìm cách chống lại Trung Quốc, "đặt ra những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của đất nước chúng tôi".
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc bổ nhiệm tân Đại sứ Tạ Phong cho thấy Bắc Kinh có thể muốn giảm bớt căng thẳng trong quan hệ song phương với Mỹ.
Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói rằng những diễn biến gần đây cho thấy căng thẳng "đang suy giảm" giữa hai nước. Ông nói Trung Quốc nhận ra sự cần thiết phải "giảm thiểu một cách thích hợp" mức độ đối đầu với Mỹ để đảm bảo môi trường thuận lợi cho phát triển.
Ghế đại sứ Trung Quốc tại Mỹ bị bỏ trống từ cuối năm ngoái, khi Đại sứ Tần Cương được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Trung Quốc. Đây là thời kỳ ghế đại sứ bị bỏ trống lâu nhất kể từ khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1979.
Quyết định cử ông Tạ đến Mỹ diễn ra sau cuộc họp "thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng" kéo dài hai ngày hồi đầu tháng này tại Vienna, giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị. Trước khi ông Tạ lên đường sang Mỹ, Tổng thống Biden trong cuộc họp báo ngày 21/5 tại Hiroshima, Nhật Bản nói rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ "sớm tan băng".
"Hợp tác Mỹ - Trung mang lại lợi ích song phương và toàn cầu, trong khi xung đột dẫn tới tổn hại với cả hai và hậu quả cho cả thế giới", ông Tạ nói trong bài phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh vào tháng 1. "Đảm bảo quỹ đạo ổn định và lành mạnh cho quan hệ Mỹ - Trung là trách nhiệm mà chúng ta phải nghiêm túc thực hiện vì lợi ích của cả hai nước và toàn thế giới".
Những tuyên bố như vậy của ông Tạ thắp lên hy vọng rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ ấm lên sau thời gian dài căng thẳng. Trong thời gian công tác tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tạ là người theo đuổi phong cách ngoại giao chiến lang, nhưng khi đến Mỹ, ông có thể phải xem xét lại cách tiếp cận này, theo Phelim Kine, nhà phân tích của Politico.
"Ngoại giao chiến lang có vẻ không thành công ở Washington và tôi sẽ thấy rất bất ngờ nếu ông ấy tiếp tục theo đuổi phong cách này, thay vì trở thành người giải quyết vấn đề", Susan Shirk, cựu phó trợ lý ngoại trưởng trong chính quyền Bill Clinton, nói.
Các nhà quan sát cho rằng quan hệ Mỹ - Trung có cơ hội cải thiện sau khi ông Tạ Phong trình quốc thư lên Tổng thống Biden, nhưng cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường sẽ không hạ nhiệt.
"Kinh nghiệm hay tác phong của ông Tạ khó có thể giúp đảo ngược hoặc ngăn chặn chính sách tăng cạnh tranh, giảm phụ thuộc vào nhau mà cả hai bên đã lựa chọn", Ivan Kanapathy, cựu giám đốc phụ trách về Trung Quốc, Đài Loan, Mông Cổ tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định.
Thanh Tâm (Theo Politico, USCNPM, WSJ, SCMP)