Sáng 15/8, nữ sinh viên này đang tới lớp thì một nhóm sinh viên nữ ùa ra từ ký túc xá, thông báo cảnh sát đang sơ tán họ vì Taliban đã vào Kabul, nháo nhác bảo nhau rằng Taliban sẽ đánh đập những phụ nữ không mặc trang phục burqa (áo choàng che kín người, đầu tóc và mặt mũi).
Dưới đây là tâm sự của cô:
Chúng tôi đều muốn về nhà, nhưng không thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tài xế không cho chúng tôi lên xe vì không muốn chịu trách nhiệm chở phụ nữ. Tình cảnh của nữ sinh trong ký túc xá thậm chí còn tệ hơn, bởi nhà họ ở ngoài Kabul và rất sợ hãi, không biết nên đi đâu.
Những người đàn ông xung quanh giễu cợt phụ nữ và các thiếu nữ, cười nhạo khi thấy họ hoảng hốt. "Đi mà mặc burqa vào đi", một người hét lên. "Đây là ngày cuối cùng các cô được ra phố đấy", một người khác nói. "Tôi sẽ cưới bốn em trong một ngày", kẻ thứ ba đùa cợt.
Khi các văn phòng chính phủ đóng cửa, em gái của tôi đã chạy hàng dặm khắp thành phố để về nhà. "Tôi tắt chiếc máy tính đã giúp phục vụ người dân và cộng đồng của tôi suốt 4 năm mà lòng đau như cắt", cô nói. "Tôi rời bàn làm việc với đôi mắt đẫm lệ, nói lời tạm biệt đồng nghiệp. Tôi biết đó là ngày cuối cùng mình được làm việc".
Tôi gần hoàn thành hai bằng đại học danh tiếng nhất Afghanistan. Đáng lẽ tôi sẽ tốt nghiệp Đại học Mỹ tại Afghanistan và Đại học Kabul vào tháng 11 này, nhưng sáng nay, mọi hy vọng đã tắt ngấm.
Tôi đã làm việc suốt ngày đêm để trở thành con người như hôm nay. Vậy mà sáng nay khi tôi về nhà, điều đầu tiên tôi và các chị em gái làm là giấu đi giấy tờ tùy thân, bằng cấp và chứng chỉ. Thật tàn nhẫn. Tại sao chúng tôi phải che giấu điều mà chúng tôi đáng lẽ phải tự hào khoe ra? Ở Afghanistan bây giờ, chúng tôi không được phép được người ta biết tới với tư cách là con người vốn có.
Là một phụ nữ, tôi cảm thấy mình là nạn nhân của cuộc chiến chính trị mà cánh đàn ông khơi mào. Tôi cảm thấy mình không thể cười to, không thể nghe bài hát ưa thích, không thể gặp gỡ bạn bè ở quán cà phê quen thuộc, không thể mặc váy vàng hay đánh son hồng ưa thích. Tôi cũng không thể đi làm hay hoàn thành bằng đại học mà đã vất vả suốt bao năm để đạt được.
Tôi thích làm móng tay. Hôm nay, khi đang trên đường về nhà, tôi liếc nhìn tiệm thẩm mỹ hay đến làm móng. Mặt tiền cửa hàng vốn trang trí bằng hình ảnh những cô gái xinh đẹp, nay quét vôi trắng xóa sau một đêm.
Tất cả những gì tôi nhìn thấy xung quanh mình là khuôn mặt sợ hãi của phụ nữ và khuôn mặt xấu xí của những gã đàn ông căm ghét phụ nữ, những kẻ không thích phụ nữ được học hành, được làm việc và được tự do. Điều kinh khủng nhất với tôi là những kẻ mặt mày hớn hở và trêu cợt phụ nữ. Thay vì đứng về phía chúng tôi, họ đứng về Taliban, tự cho mình nhiều quyền lực hơn.
Phụ nữ Afghanistan đã hy sinh rất nhiều để đổi lấy một chút tự do. Là trẻ mồ côi, tôi đã dệt thảm chăm chỉ để kiếm tiền đi học. Tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn tài chính, nhưng tôi đã vạch ra nhiều kế hoạch cho tương lai. Tôi không ngờ mọi chuyện lại kết thúc như thế này.
Giờ có lẽ tôi phải đốt sạch thành tựu 24 năm cuộc đời. Có thẻ chứng minh thư hay có giải thưởng của Đại học Mỹ bây giờ rất nguy hiểm. Dù có giữ chúng tôi cũng không dùng được. Ở Afghanistan bây giờ phụ nữ không được đi làm. Khi các tỉnh lần lượt thất thủ, tôi đã nghĩ nhiều về giấc mộng thiếu nữ của mình. Các chị em tôi cả đêm không ngủ, nhớ lại những câu chuyện mẹ thường kể về thời Taliban thống trị và cách họ đối xử với phụ nữ.
Tôi không ngờ chúng tôi sẽ bị tước bỏ mọi quyền cơ bản một lần nữa và quay lại 20 năm trước. Sau 20 năm đấu tranh cho quyền lợi và tự do của mình, chúng tôi lại bị săn đuổi vì không mặc burqa và phải giấu đi danh tính.
Trong những tháng cuối, khi Taliban chiếm quyền kiểm soát các tỉnh, hàng trăm người đã bỏ nhà cửa tới Kabul để cứu vợ con. Họ sống lay lắt ngoài trời, trong công viên. Tôi là thành viên một nhóm sinh viên Đại học Mỹ đã cố giúp họ bằng cách quyên góp tiền mặt, thực phẩm, nhu yếu phẩm.
Tôi không thể ngừng khóc khi nghe chuyện của một vài gia đình. Một gia đình mất con trong chiến tranh, không còn tiền để trả taxi tới Kabul, nên phải đổi con dâu để đi tới thành phố. Làm sao giá trị của một người phụ nữ lại có thể đánh đổi bằng chi phí một cuốc xe?
Hôm nay, khi nghe tin Taliban đã tới Kabul, tôi cảm thấy mình sắp thành nô lê. Họ có thể chơi đùa cuộc đời tôi tùy ý. Tôi từng là giáo viên một trung tâm tiếng Anh. Tôi không thể chịu được khi nghĩ rằng mình không còn thể đứng lớp dạy các em hát bài ABC nữa. Mỗi khi nghĩ tới cảnh những bé gái xinh đẹp là học viên của tôi phải nghỉ học ở nhà, tôi lại rớt nước mắt.
Taliban tuyên bố thành lập tiểu vương quốc Hồi giáo khi nắm quyền ở Afghanistan năm 1996, ban hành luật Hồi giáo Sharia nghiêm ngặt, cấm phụ nữ làm việc hoặc học tập, đồng thời cấm văn hóa phẩm phương Tây. Chính quyền này bị Mỹ lật đổ với cáo buộc chứa chấp các phần tử khủng bố al-Qaeda sau vụ tấn công 11/9/2001. |
Hồng Hạnh (Theo Guardian)