Người Việt vốn có truyền thống xem con trẻ là phước lộc. Ai cũng biết tới ba ông "Phúc, Lộc, Thọ", mà ông "Lộc" là người có con cháu đầy đàn. Lại còn có những câu như "Con cái là của để dành" và những lời chúc như "con cháu đầy đàn" dành cho các cặp uyên ương.
Đa phần người dân đều yêu quý con trẻ, nhưng là con trẻ của họ. Thời điểm hiện tại, ở một số nước trên thế giới quan điểm ghét trẻ con ngày càng lên ngôi. Bắt đầu là những việc nhỏ như các quán cà phê cấm trẻ em. Hàng quán cấm là bởi vì họ có một lực lượng khách hàng đòi hỏi một không gian không có trẻ con, và lực lượng này phải đủ đông nên hàng quán mới dám làm như thế.
Lớn hơn là hằn học của những người không con với người có con. Nuôi con là một quãng thời gian với những khó khăn không tránh khỏi. Vậy mà những ai than thở thì thường sẽ nhận được một trong hai thái độ, hoặc là ai bảo bạn sinh con làm chi rồi than thở, hoặc là tại bạn kém nên con mới như này...
Ngay cả những người có con cũng hằn học với con trẻ, mà là trẻ nhà người khác.
Khi đi học, các bậc cha mẹ đều quyết tâm phải làm sao con mình hơn người. Người ta nói nhiều về căn bệnh thành tích trong học đường, nhưng ít ai nói tới bệnh thành tích trong gia đình mà các bậc cha mẹ là hay mắc phải nhất.
Ở trường công, việc "ghét con nhà người khác" này vẫn hay xảy ra và có một môi trường để nảy nở. Không thiếu các ý kiến chỉ trích việc đóng quỹ lớp, bao gồm đóng tiền điều hòa, tiền rèm treo cửa, tiền cơ sở vật chất...
Những khoản tiền này khi đã đóng thì chắc là cũng có một khoản nhất định được sử dụng đúng mục đích. Có nhiều người nói rằng, cần phải đóng tiền thì con mới được "như này như kia".
Cái khổ là không phải ai cũng có thể đóng một khoản tiền như nhau. Khi một vị phụ huynh cho rằng khoản tiền cần đóng là không có bao nhiều, thì tức là họ đã đưa một đứa trẻ nhà nghèo vào thế khó chỉ vì cha mẹ nó không nhiều tiền.
Mỗi năm, việc thi vào lớp 10 lại trở thành chủ đề đốt nóng. Ở các thành phố lớn, cuộc đua này càng khốc liệt hơn. Nguyên nhân đến từ chỗ đất chật người đông. Trường công thì không thể sinh thêm ra vì đất đâu mà sinh, nhưng dân số thì cứ tăng mãi lên, bởi vì ai ai cũng tiến về thành phố, tiến vào lõi trung tâm.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng rất nhiều người bảo rằng, tôi cần vào thành phố là vì điều kiện y tế và giáo dục cho các con.
Điều kiện giáo dục nào cho các con, khi mà khả năng vào lớp mười trường công quá thấp, mà các bậc cha mẹ ấy lại không có khả năng cho con vào trường tư? Các bậc cha mẹ ấy cho rằng mình đang giúp con, nhưng thật ra là đang hại con. Cái gốc của những vấn đề như vậy sau cùng cũng vẫn là bệnh thành tích, tức là chỉ mong được cái mẽ để khoe. Còn thực tế việc học của con cái như nào thì còn phải coi lại.
Làm sao để con trẻ được chăm sóc tốt là một vấn đề không đơn giản. Tuy vậy, con trẻ không phải chỉ cần có cha mẹ, những người sinh ra chúng. Con trẻ cần ông bà, cần họ hàng, cần giáo viên, cần bạn bè, cần cả những người ở cùng nước dù không liên quan gì cả.
Ở chiều ngược lại, những người trưởng thành ai ai rồi cũng sẽ cần sự giúp đỡ, chăm lo, và cả công sức và vật chất từ những đứa trẻ hôm nay còn chạy loanh quanh cười đùa ầm ĩ.
Vài chục năm nữa, những người từng ngồi trong quán cà phê kêu gọi cấm trẻ con vào hàng quán sẽ già đi và không còn làm ra được của cải vật chất gì cho xã hội nữa.
Tuy vậy họ sẽ vẫn phải dùng dịch vụ công, phải đi trên đường, cần được đảm bảo an ninh. Lúc đó thì ai sẽ là cảnh sát để đảm bảo an ninh chống trộm cắp? Ai sẽ phục vụ trong quân ngũ để đảm bảo quốc phòng? Ai sẽ xây đường, ai sẽ bảo trì hệ thống cấp nước, cấp điện?
Lúc đó, những đứa trẻ ồn ào hôm nay sẽ phải làm những việc đấy. Những thứ đấy thì cần phải có người chứ không chỉ có tiền. Bạn có bao giờ nghĩ tới lúc một đất nước chỉ toàn người già, không ai nhập ngũ chưa? Hay là nhà dưỡng lão không có người để thuê nữa?
Thực tế đó đang xảy ra ở châu Âu, ở Nhật, và làn sóng xuất khẩu lao động có nguyên nhân từ đấy.
Vấn đề nằm ở chỗ, khi chỉ còn những người già ngồi với nhau thì người Việt chưa chắc đã có đủ tiền để thuê người từ nước khác tới làm những việc như thế.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.