Lâu nay người ta vẫn hay bàn ra tán vào chuyện dạy thêm, học thêm. Người ủng hộ cũng có, người phản đối hay lên án cũng nhiều. Các cơ quan quản lý cũng năm lần bảy lượt chấn chỉnh với vô số các văn bản được ban ra.
Thế nhưng cái chuyện dạy thêm, học thêm vẫn cứ "luôn luôn tồn tại, luôn luôn phát triển". Thực ra thì chuyện dạy thêm, học thêm cũng chẳng phải điều gì đó xấu xa (tôi hoàn toàn phản đối những ai gọi dạy thêm, học thêm là tệ nạn, là vấn nạn...).
Suy cho cùng nó cũng chỉ là một sản phẩm của xã hội xuất phát từ quy luật cung - cầu. Vậy hãy thử tìm hiểu xem nhu cầu đó xuất phát từ những ai?
Đầu tiên đó là nhu cầu từ những vị phụ huynh. Trong số những phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm thì thường có hai dạng.
Thứ nhất là những người kỳ vọng rất nhiều ở con cái hoặc là họ xem thành tích học tập (được đo đếm bằng những tờ giấy khen, những danh hiệu...) là thứ để khoe khoang, để thỏa mãn sự hơn thua với mọi người.
Những người này họ luôn quay quắt với những yêu cầu là con cái phải là học sinh giỏi, phải đứng đầu trong lớp, thậm chí là trong trường, chí ít thì cũng phải vào top 3, top 5... Con là phải đậu được vào trường chuyên, lớp chọn ...họ sẵn sàng bỏ thời gian công sức, tiền bạc để "tầm sư"cho con học thêm , bắt ép con phải học thêm đủ thứ bất chấp nguyện vọng, khả năng học tập và sức khỏe của con ra sao miễn là phải hơn, chí ít thì cũng không thua kém con nhà người ta.
Đó là những phụ huynh có những nhận thức mơ hồ về chuyện đi học thêm. Họ có những nỗi sợ rất buồn cười đó là sợ con không đi học thêm sẽ không theo kịp bạn bè, sẽ bị thầy cô "đì"...
Cũng có những người suy nghĩ đơn giản là cho con đi học thêm để khỏi phải quản lý, cho con khỏi chơi game, khỏi lêu lỏng.
Tôi chứng kiến những buổi họp phụ huynh đầu năm có rất nhiều vị phụ huynh tranh thủ hỏi các thầy cô chủ nhiệm (đối với cấp tiểu học) có nhận dạy thêm không để cho con đi học thêm dù chưa biết con mình học hành ra sao.
Họ hỏi thăm nhau thầy cô nào dạy hay (đối với những lớp từ trung học cơ sở trở lên) để cho con rèn giũa.
Thứ hai là nhu cầu đến từ các em học sinh. Cũng giống như phụ huynh, một số em cũng muốn tranh đua thành tích hoặc mong muốn được vào trường top, lớp chọn nên rất chịu khó học thêm.
Cũng có một số em có nỗi sợ thầy cô phân biệt đối xử nếu không đi học thêm nên thường chọn học thêm các thầy cô chủ nhiệm hay các thầy cô dạy bộ môn tại lớp của mình. Nhu cầu học thêm của những em này chỉ là xua tan những nỗi sợ như trên chứ không hẳn là nhu cầu bổ sung kiến thức.
Cũng có một số em không xác định được nhu cầu thật sự của mình học thêm để làm gì mà thấy các bạn khác đi học thêm thì... cũng đi cho vui. Ngoài ra cũng có một số em đi học thêm chỉ là cái cớ để trốn cha mẹ đi chơi (nhất là các bạn học sinh cấp II, cấp III).
Cũng có một số em năng lực học tập hạn chế, thành tích học tập chưa cao nên có nhu cầu đi học thêm để bổ sung kiến thức và cải thiện thành tích học tập.
Cuối cùng đó chính là nhu cầu từ các giáo viên. Ban đầu các thầy cô phải cung cấp dịch vụ dạy thêm từ nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Dần dần chuyện dạy thêm trở thành nhu cầu của của giáo viên.
Đầu tiên là để nâng cao chất lượng học tập của học sinh, nâng cao thành tích của trường của lớp. Tiếp đến là nhu cầu cải thiện thu nhập trong điều kiện tiền lương của nghề giáo chưa cao. Sau đó khi dạy thêm đã trở thành một dịch vụ thì dạy thêm là để đáp ứng cho nhu cầu tăng thu nhập của một bộ phận giáo viên.
Có không ít giáo viên đã làm giàu được từ chính dịch vụ dạy thêm này. Dạy thêm, học thêm có lẽ nó cũng không phải là vấn đề gây tranh cãi trong dư luận nếu nó phải xuất từ những nhu cầu chính đáng, dạy thêm, học thêm nhưng không tạo ra sự bất công.
Các thầy cô nếu dạy thêm mà xuất phát từ cái tâm trong sáng, không dùng chiêu trò để bắt ép học sinh học thêm, không phân biệt đối xử giữa những học sinh học thêm và những học sinh không học thêm thì cũng không đáng phê phán.
Để giảm bớt và tiến tới xóa bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm không thể giải quyết bằng các biện pháp hành chính mà cần phải thay đổi từ chương trình học, tư duy, phương pháp dạy và học, quan niệm của xã hội về học tập và thi cử...
Trong đó chú trọng nhất là phải tạo cho các em học sinh ý thức tập trung nghe giảng trên lớp, nâng cao và rèn luyện tinh thần tự học, phải bắt buộc các em có thói quen học tập theo nhóm (học thầy không tày học bạn).
Về phía giáo viên khi đứng trên bục giảng trước hết phải làm tròn bổn phận của mình, phải truyền đạt đầy đủ tất cả những kiến thức về những bài học một cách trung thực, khách quan nhất.
Phải quan tâm đến khả năng tiếp thu của từng em học sinh chứ không thể giảng bài một cách chung chung, qua loa đại khái em nào hiểu được thì được, không hiểu được thì thôi. Nói theo một cách khác là "không để cho một học sinh nào bị bỏ lại phía sau".
Về phần phụ huynh thay vì cứ chăm chăm bắt con em mình đi học thêm thì hay cố gắng dành thời gian kèm cặp con học ở nhà (nếu mình có đủ kiến thức) hoặc đôn đốc nhắc nhở con tự học ở nhà và có ý thức tập trung tự giác nghe giảng đầy đủ ở lớp, ở trường.
Nếu bắt buộc phải cho con học thêm (như con mất căn bản, con cần thi chuyển cấp, thi vào trường chuyên, thi tốt nghiệp và đại học...) thì cũng nên có chọn lọc và phải tôn trọng nhu cầu, nguyện vọng của con.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bàitại đây.