Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người đang được điều trị tích cực vì bị bắn hôm 15/5, đã lên nắm quyền lần thứ tư vào tháng 10 năm ngoái và chuyển hướng chính sách đối ngoại của nước này theo hướng ngả về phía Nga hơn thay vì phương Tây.
Ông cũng đã khởi xướng cải cách luật hình sự và cải tổ các cơ quan truyền thông, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ khiến nền pháp quyền Slovakia bị suy yếu.
Trong ba thập kỷ hoạt động chính trị, Fico, 59 tuổi, đã khéo léo đan xen giữa các quan điểm chính thống ủng hộ châu Âu với chủ nghĩa dân tộc chống EU và Mỹ, đồng thời thể hiện lập trường sẵn sàng thay đổi góc nhìn tùy thuộc vào dư luận hoặc thực tế chính trị ở Slovakia.
Ông có quan điểm quyết liệt hơn trong 4 năm qua, khi chỉ trích gay gắt các đồng minh phương Tây, tuyên bố ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine, phản đối các lệnh trừng phạt lên Nga và đe dọa phủ quyết nỗ lực gia nhập NATO của Kiev.
Liên minh cầm quyền của ông đã chặn các lô hàng vũ khí chuyển cho Ukraine, cho rằng chính phương Tây đang đổ thêm dầu vào lửa xung đột khu vực.
Tuy nhiên, trong suốt sự nghiệp, Thủ tướng Fico luôn kiên định với lời hứa bảo vệ mức sống cho người dân, ở một đất nước mà điều kiện sống của nhiều người chỉ đang dần bắt kịp với Tây Âu.
"Fico là một nhà kỹ trị quyền lực, hiện là người giỏi nhất Slovakia", nhà xã hội học Michal Vasecka thuộc Viện Chính sách Bratislava nhận xét. "Hiện tại, ông ấy không có đối thủ".
"Fico luôn theo dõi các cuộc thăm dò dư luận, hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra trong xã hội", ông nói thêm.
Lời kêu gọi tranh cử của ông về việc không tiếp tục viện trợ Kiev đã thu hút ủng hộ từ đông đảo cử tri ở quốc gia 5,5 triệu dân, nơi chỉ một bộ phận rất nhỏ người dân tin Nga có lỗi trong cuộc xung đột Ukraine.
Fico, người mà theo các nhà phân tích là được truyền cảm hứng bởi Thủ tướng Hungary Viktor Orban, cho biết ông thực sự quan tâm đến lợi ích của Slovakia và muốn chiến sự Ukraine kết thúc. Các đồng minh phương Tây và Ukraine trong khi đó cho rằng việc ngừng cung cấp viện trợ sẽ chỉ giúp ích cho Nga.
"Chúng tôi đánh giá Viktor Orban là một trong những chính trị gia châu Âu không ngại công khai bảo vệ lợi ích và người dân Hungary", Thủ tướng Fico nói với Reuters hồi năm ngoái. "Ông ấy đặt họ lên hàng đầu. Và đó chính xác là vai trò của một chính trị gia được bầu, chăm sóc lợi ích của cử tri và đất nước".
Fico sinh ngày 15/9/1964 tại thị trấn Topolcany, vùng Nitra, tây nam Slovakia. Cha ông là tài xế lái xe nâng và mẹ làm việc trong một cửa hàng giày. Ông tốt nghiệp khoa Luật Đại học Comenius ở thủ đô Bratislava vào những năm 1980, sau đó làm việc tại Bộ Tư pháp.
Fico đã điều hành đảng Dân chủ Xã hội (SMER) từ năm 1999 sau khi thành lập đảng này để phản đối nội các trung hữu theo chủ nghĩa cải cách. Ông đã biến tâm lý bất mãn trong công chúng trước những cải cách kinh tế tự do thành chiến thắng đầu tiên trong cuộc bầu cử năm 2006.
Ông đã khéo léo tận dụng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 để củng cố danh tiếng bằng cách từ chối áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Tính linh hoạt của lãnh đạo Slovakia còn được thể hiện ở việc ông vẫn giữ cho đất nước tiếp tục sử dụng đồng euro vào năm 2009, mặc dù đã thành lập chính phủ với những người theo chủ nghĩa dân tộc.
Ông từng ca ngợi việc Slovakia sử dụng đồng euro là một "quyết định lịch sử quan trọng", nhưng trong chiến dịch tranh cử, ông lại công kích EU, NATO nhằm thu hút cử tri cực tả và cực hữu, đồng thời gọi các đối thủ thân phương Tây của ông là "những kẻ hiếu chiến".
Ông giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2012, sau khi một liên minh trung hữu khác tan rã. Lập trường cứng rắn chống người di cư đã giúp ông tiếp tục tái đắc cử vào năm 2016. Sau chiến thắng này, Thủ tướng Fico tuyên bố muốn Slovakia là một phần cốt lõi của EU cùng với Pháp và Đức.
Sự nghiệp chính trị của ông gặp thử thách vào năm 2018, khi nhà báo Jan Kuciak và hôn thê Martina Kusnirova bị sát hại. Kuciak thiệt mạng khi đang điều tra về tình trạng tham nhũng của giới thượng lưu Slovakia, trong đó có cả những người có liên hệ trực tiếp với Fico và đảng SMER.
Sự việc đã thổi bùng lên các cuộc biểu tình rầm rộ chống tham nhũng và Fico buộc phải từ chức. SMER rơi vào tình trạng bị chia rẽ và đánh mất quyền lực trong cuộc bầu cử năm 2020 trước các đảng cam kết loại bỏ tham nhũng.
Với tỷ lệ tín nhiệm dưới 10%, Fico đã tìm cách vươn lên nhờ nỗ lực xoa dịu cử tri trong đại dịch Covid-19, đồng thời chỉ trích các biện pháp chống dịch của chính phủ.
"Ông ấy trở thành đại diện chính trị nổi bật nhất của phong trào chống khẩu trang và tiêm chủng", nhà phân tích chính trị Grigorij Meseznikov cho hay.
Ông cũng tận dụng nỗi bất mãn trong công chúng trước những tranh cãi nội bộ của chính phủ cầm quyền, làm dấy lên nghi ngờ về đường lối thân phương Tây của chính phủ này, đồng thời tán dương những câu chuyện ủng hộ Nga vốn đã lan rộng khắp mạng xã hội Slovakia.
Thủ tướng Fico từng tuyên bố ông sẽ không cho phép việc bắt Tổng thống Vladimir Putin theo lệnh từ Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nếu lãnh đạo Nga đến Slovakia.
Fico bác bỏ gay gắt những cáo buộc tham nhũng đã đeo bám đảng SMER. Năm 2022, ông bị buộc tội sử dụng thông tin của cảnh sát và cơ quan thuế để gây sức ép lên các đối thủ chính trị. Fico phủ nhận và các buộc này sau đó bị hủy.
Thông thạo tiếng Anh, Thủ tướng Fico được biết đến là người thích xe hơi tốc độ cao, bóng đá và đam mê những chiếc đồng hồ xa xỉ. Ông kết hôn với luật sư Svetlana Ficova và có một con trai, Michal, dù truyền thông Slovakia đưa tin hai người đã ly thân.
Câu nói yêu thích của Fico là "sự kiên nhẫn luôn mang đến hoa hồng đỏ". Ông đã chiến đấu với tử thần khi trúng nhiều phát đạn vào ngực, bụng và chân, rồi vượt qua cơn nguy kịch. Hiện chưa rõ khi nào Thủ tướng Slovakia có thể quay lại lãnh đạo chính phủ.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)