Kể từ khi Taliban tiếp quản Kabul ngày 15/8, người dân Afghanistan và các nhóm nhân đạo quốc tế đã thông báo về các trường hợp lính Taliban trả thù, đàn áp những người biểu tình, người từng làm việc trong chính phủ cũ, cho người Mỹ và người lên án Taliban.
"Chúng tôi đã nghe về một số trường hợp trả thù và phạm tội chống lại người dân", một lãnh đạo Taliban giấu tên nói. "Nếu thành viên Taliban thực thi những luật này và gây ra vấn đề, họ sẽ bị điều tra".
"Chúng tôi hiểu nỗi sợ, sự căng thẳng và lo lắng. Mọi người nghĩ chúng tôi sẽ không có trách nhiệm, nhưng không phải vậy".
Các cựu quan chức cho biết họ phải chạy trốn khi bị các tay súng Taliban gõ cửa từng nhà săn lùng. Một gia đình 16 người đã phải trốn vào phòng tắm, tắt đèn, trẻ em được bịt miệng do lo sợ cho mạng sống của họ.
"Các chuyên gia về luật pháp, tôn giáo và chính sách của Taliban đặt mục tiêu công bố cơ cấu tổ chức chính quyền trong vài tuần nữa", lãnh đạo Taliban cho biết thêm. Mặc dù cơ cấu chính quyền điều hành đất nước không phải là chế độ dân chủ theo định nghĩa của phương Tây, nhưng "nó sẽ bảo vệ quyền của mọi người".
Người này cũng cho rằng việc hàng ngàn người đổ xô tới sân bay Kabul để rời khỏi đất nước, gây ra tình trạng hỗn loạn không phải là trách nhiệm của Taliban. "Phương Tây đáng ra phải có kế hoạch sơ tán tốt hơn".
Các thành viên Taliban mang súng gác xung quanh sân bay đã yêu cầu những người không có giấy tờ đi lại trở về nhà. Ít nhất 12 người đã thiệt mạng ở trong và xung quanh sân bay kể từ hôm Chủ nhật.
Từ khi nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul hôm 15/8, Taliban đã tìm cách thuyết phục người dân trong nước và cộng đồng quốc tế rằng họ không có ý định áp đặt chế độ cai trị hà khắc như trước đây, thay vào đó sẽ theo đuổi hòa bình và công bằng. Tuy nhiên, nhiều người không tin tưởng những cam kết này, trong khi các nước dường như né tránh việc công nhận Taliban là lực lượng cầm quyền ở Afghanistan.
Phát ngôn viên Taliban Waheedullah Hashimi hôm 18/8 cũng cho hay sẽ không có thể chế dân chủ nào ở Afghanistan, đất nước có khả năng được điều hành bởi một hội đồng Taliban cầm quyền và thủ lĩnh tối cao Haibatullah Akhundzada dự kiến vẫn nắm quyền lãnh đạo chung, vai trò như tổng thống.
Cơ cấu quyền lực Hashimi vạch ra mang những nét tương đồng với cách Taliban điều hành Afghanistan trong thời gian nắm quyền từ 1996 đến 2001. Khi đó, thủ lĩnh tối cao Mullah Omar không lộ diện và để việc điều hành đất nước hàng ngày cho một hội đồng. Taliban năm 2001 bị Mỹ và đồng minh lật đổ trong chiến dịch can thiệp quân sự quy mô lớn.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)