Trưa 20/7, tại chốt kiểm soát Covid-19 trên đường dẫn cầu Cần Thơ (quận Cái Răng), xe tập trung chờ kiểm soát không nhiều. Tài xế Nguyễn Hoàng Khanh, 28 tuổi, lái ôtô tải 2,5 tấn cho biết, chở rau, củ từ huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long sang giao cho mối tại quận Cái Răng. Khi đến đây, anh bị kiểm tra giấy test nhanh âm tính Covid-19. Cán bộ tại trạm thông báo xe đến từ vùng có dịch và giao hàng ở Cần Thơ nên trước khi vào thành phố phải phun xịt, khử khuẩn.
Cảnh sát giao thông giữ bằng lái và bảo anh đợi khoảng 10 phút có lực lượng dẫn (một đoàn khoảng 10 chiếc) đi khoảng một km đến vị trí phun xịt, khử khuẩn. "Tôi trả phí khử khuẩn 120.000 đồng rồi được trả lại bằng lái và tiếp tục đi giao hàng", tài xế Khanh nói và cho biết toàn bộ quá trình mất khoảng 30 phút.
Lái xe tải chở hàng tiêu dùng từ TP HCM về Bạc Liêu, đến chốt kiểm soát trên đường dẫn cầu Cần Thơ, anh Nguyễn Thành Tới xuất trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, bằng lái, lịch trình di chuyển. Do anh chuẩn bị đủ giấy tờ nên chỉ mất 2-3 phút để qua chốt.
Cách đó gần 80 km, chốt cửa ngõ Đồng Tháp trên quốc lộ 30 (xã An Bình, huyện Hồng Ngự) vẫn áp dụng quy định test nhanh, giấy xét nghiệm PCR âm tính hoặc tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 đối với tất cả lái xe ra vào tỉnh. Xe qua đây đa phần là xe chở hàng hóa thiết yếu, chở người bệnh và có khá ít xe máy. Tài xế mất khoảng 5-10 phút để được tiếp tục hành trình.
Tài xế Trần Văn Thế, 42 tuổi, chở cá từ Cần Thơ về đây cho biết, mỗi tuần đi 2-3 chuyến, đều phải test nhanh, song mỗi tỉnh áp dụng phí khác nhau như ở An Giang là 238.000 đồng một lần, trong khi Đồng Tháp, Cần Thơ là 135.000 đồng. "Chi phí chạy xe đội lên, có chuyến thì chủ hàng hỗ trợ tiền test còn không thì tiền túi", ông Thế nói và cho biết, việc quy định tài xế không cần giấy xét nghiệm âm tính khi chở hàng trong vùng giãn cách 19 tỉnh miền Nam sẽ đỡ tốn công sức lẫn tiền bạc.
Còn ông Nguyễn Văn Đặt, 52 tuổi, tài xế chở hàng ở Đồng Tháp cũng hoan nghênh quy định mới của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia. "Nếu bỏ quy định xét nghiệm tài xế khỏe lắm, bởi giấy âm tính có giá trị ba ngày nhưng mất một ngày chầu chực test. Thiệt tình, không bị gánh nặng vay ngân hàng mua xe tôi cũng ở nhà", ông Đặt nói và cho biết, khi dịch lây lan nhanh, ông hạn chế tiếp xúc, giao hàng xong chạy một mạch về nhà.
Tương tự, các địa phương trong 19 tỉnh, thành đang áp dụng Chỉ thị 16 khác như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... tài xế ra vào các cửa ngõ vẫn bị kiểm tra "giấy thông hành". Ở Tiền Giang, tài xế xe tải từ huyện này sang huyện khác trong tỉnh cũng phải trình giấy này. "Có nhiều tài xế sáng từ địa bàn đến TP HCM giao hàng, chiều về, tiềm ẩn nguy cơ tiếp xúc với F0, nếu không kiểm soát chặt sẽ rất khó lường", ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang nói.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND Đồng Tháp cho rằng việc bỏ kiểm tra giấy xét nghiệm đối với tài xế sẽ không dễ thực hiện vì yêu cầu phòng chống dịch rất quan trong, song địa phương sẽ họp bàn để thống nhất phương án triển khai.
Còn Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết, văn bản của Bộ Y tế đề nghị bỏ việc kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 đối với xe tải chở hàng, nhu yếu phẩm trong phạm vi "nội bộ tỉnh" chứ không nói rõ việc liên tỉnh. Hiện tại Đồng Nai vẫn tiếp tục thực hiện kiểm soát người ra vào tỉnh bằng giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 hiệu lực 3 ngày như cũ.
Theo bà Hoàng, việc một số Bộ hướng dẫn không đồng nhất khiến địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong thực hiện. "Chúng tôi sẽ có kiến nghị với các Bộ để đồng nhất nội dung trước khi triển khai trong thời gian tới nhằm lưu thông hàng hóa đồng thời cũng kiểm soát dịch bệnh vào tỉnh", bà Hoàng nói.
Cũng hiểu văn bản bỏ kiểm tra giấy xét nghiệm của Bộ Y tế chỉ áp dụng trong "nội bộ tỉnh", Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho biết, thành phố bãi bỏ kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 đối với tài xế chở hàng trong phạm vi nội tỉnh từ khi áp dụng Chỉ thị 16. Địa phương vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trong thời hạn trong 3 ngày đối với tài xế ôtô tải và xe du lịch. Các tài xế không có giấy xét nghiệm hoặc hết hạn, sẽ được hướng dẫn đến điểm lấy mẫu test nhanh gần nhất để thực hiện và tự trả phí.
"Riêng đối với ôtô tải chở hàng hóa nông, thủy sản đông lạnh của các doanh nghiệp, đơn vị, hợp tác xã... có logo thể hiện rõ được lực lượng chức năng tại chốt nhận diện đúng và tạo điều kiện cho qua, không cần kiểm tra", ông Dũng nói và cho biết đây là việc thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp cho biết, tối hôm qua Tổng cục Đường bộ có văn bản yêu cầu tạm ngưng việc đăng ký "luồng xanh". Theo đó, các xe chở hàng hóa thiết yếu qua lại các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 sẽ không cần đăng ký, không cần dán thẻ nhận diện phương tiện (có mã QR).
Tổng cục Đường bộ lý giải, xe chở hàng thiết yếu như nông sản, thực phẩm tươi sống cần được ưu tiên vì dễ hư hỏng, lực lượng chức năng trên đường có thể nhận biết nhanh. Tuy nhiên, các địa phương cần quản lý chặt lái xe và người đi theo trên xe để ngăn chặn dịch lây lan.
Cửu Long - Ngọc Tài - Phước Tuấn - Trường Hà - Hoàng Nam