Ngày 27/1, Mỹ phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 do Johnson & Johnson (J&J) phát triển với người từ 18 tuổi trở lên. Đây là loại vaccine Covid-19 thứ ba được phép sử dụng ở Mỹ, giúp người dân nước này có thêm lựa chọn trong cuộc chiến chống đại dịch.
Trong thử nghiệm lâm sàng toàn cầu với 44.000 tình nguyện viên, vaccine hiệu quả 66%. Trong thử nghiệm tại Mỹ, các liều tiêm có tác dụng 72% sau 28 ngày. Ở Nam Phi, độ bảo vệ của sản phẩm giảm xuống còn 64%, do biến chủng B.1.351 dễ lây lan chiếm tới 95% ca nhiễm trong cuộc thử nghiệm trên 6.000 người.
Vaccine J&J được bào chế bằng công nghệ vector virus. Các nhà khoa học sử dụng virus cảm lạnh vô hại (adenovirus 26) đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.
Vector là một virus thiếu đi đoạn gene giúp tái tổ hợp, tự nhân lên, được dùng để vận chuyển vật chất di truyền của một loại virus khác vào tế bào người. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc tế bào T (tế bào miễn dịch) để tự bảo vệ.
Vector không gây hại cho cơ thể. Trong một số trường hợp, vi khuẩn giảm độc lực cũng có thể được sử dụng làm vector, song không phổ biến bằng virus. Vaccine vector thường dùng để ngăn ngừa các mầm bệnh đường hô hấp. Về cơ bản, sản phẩm bao gồm hai thành phần: virus vô hại (phương tiện chuyên chở) và một đoạn của bộ gene nCoV.
AstraZeneca sử dụng nền tảng tương tự, nhưng virus vô hại lấy từ con tinh tinh. Công nghệ này còn được dùng để bào chế vaccine Ebola.
Điểm đặc biệt của vaccine J&J là cơ chế một liều. Trong khi vaccine Moderna và Pfizer đều ứng dụng công nghệ mRNA, đưa thông tin di truyền của nCoV vào cơ thể, hướng dẫn các thế bào người tạo ra các protein gai của virus. Chúng không sử dụng loại virus khác làm vector. Cả hai đều cần tiêm hai mũi.
"Trong trường hợp của Moderna và Pfizer, bạn chỉ đang cung cấp gene trong một hạt nano lipid hoặc một giọt chất béo. Đối với J&J, bạn đưa gene của một loại virus không thể tự sinh sản vào cơ thể", tiến sĩ Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục Vaccine, Bệnh viện Nhi Philadelphia giải thích. Vaccine của J&J là loại vaccine Covid-19 đến nay chỉ cần tiêm một liều.
Vaccine dễ sử dụng hơn, có thể tiêm cho nhiều người hơn. Đây là yếu tố then chốt khi nguồn cung đang hạn chế, khiến sản phẩm trở thành công cụ đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng tại Mỹ và toàn thế giới.
Tiến sĩ Dan Barouch của Trường Y Harvard, thành viên nhóm phát triển vaccine, cho biết: "Với cơ chế một liều, 1 tỷ liều vaccine đồng nghĩa với 1 tỷ người được tiêm chủng".
Lợi thế khác của vaccine J&J là có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường, không cần đến tủ đông siêu lạnh như sản phẩm của Pfizer.
Kể từ năm ngoái, đông lạnh vaccine là bài toán đau đầu đối với các cơ sở y tế và nhà chức trách địa phương. Nhiều loại liều tiêm cần được lưu trữ ở nhiệt độ âm 80 độ C, tương tự quá trình vận chuyển kem hoặc thịt đông lạnh đến siêu thị. Song, tại các bệnh viện và trung tâm y tế, số lượng kho chứa chuyên dụng vô cùng hạn chế. Tủ siêu lạnh khá hiếm hoi, bởi chúng không cần thiết đối với vaccine và thuốc men thông thường. Các liều tiêm thủy đậu là một trong số ít loại cần được bảo quản ở điều kiện dưới 0 độ C.
Tình trạng này thúc đẩy giới chức y tế công cộng xây dựng các kho lạnh để đảm bảo có đủ vaccine cho công dân. Nhiều bệnh viện cũng đang lên kế hoạch mua thêm tủ đông. Các công ty cung cấp vật tư y tế nảy ra ý tưởng xây dựng cơ sở vật chất đủ để chứa hàng chục triệu liều tiêm Covid-19, gọi là kho lạnh di động.
J&J cho biết các liều tiêm có thể được bảo quản ổn định ở nhiệt độ 2,2 độ C đến 7,7 độ C trong tối đa ba tháng. Như vậy, các cơ sở y tế không cần mua thêm thiết bị để tích trữ vaccine một cách an toàn.
Tiến sĩ Rafi Ahmed , giám đốc Trung tâm Vaccine tại Đại học Emory, cho biết: "Sản phẩm sẽ đặc biệt phổ biến ở các nước đang phát triển vì chúng dễ bảo quản".
Hôm 24/4, J&J thông báo vaccine đủ hiệu quả chống lại tất cả các biến thể nCoV, song kém tác dụng hơn trên virus tại Nam Phi. Các liều tiêm cũng ngăn ngừa tình trạng mắc Covid-19 không triệu chứng và biến thể Brazil.
Thục Linh (Theo Conversation, CNN, NY Times)