Một nghiên cứu về London Marathon 2018 - giải nóng nhất trong lịch sử 37 năm của giải đấu, với nhiệt độ lên tới 24 độ C - cho thấy thời gian hoàn thành trung bình chậm hơn 20 phút so với mọi năm. 24 độ C thậm chí chưa là gì so với nhiệt độ 30, 35, hay thậm chí trên 40 độ C ở nhiều thành phố trên thế giới vào mùa hè.
Những runner muốn đạt mục tiêu thời gian sẽ không dễ dàng chấp nhận việc chạy chậm lại. Tuy nhiên, như Runner's World bình luận, ai cũng phải giảm tốc độ khi trời nóng, và bạn vẫn có thể đứng bục dù chạy chậm hơn chính mình trong điều kiện thời tiết dễ chịu.
Trong quá trình vận động, cơ thể con người liên tục phản ứng với môi trường để điều chỉnh nhiệt độ bên trong, và có cơ chế riêng để giữ mát khi chạy trong điều kiện nóng ẩm. Thông thường, những cơ chế này khiến bạn di chuyển chậm hơn.
"Cơ chế làm mát chính của cơ thể trong khi tập thể dục là thông qua sự bay hơi của mồ hôi", Todd Buckingham, tiến sĩ, chuyên gia sinh lý học tại PTSportsPRO, cho biết. Trời nóng ẩm sẽ khiến quá trình bay hơi mồ hôi hoạt động kém hiệu quả hơn. Khi mồ hôi không thể bay hơi nhanh chóng, nhiệt độ cơ thể bạn sẽ tăng lên.
Khi nhiệt độ bên trong tăng lên, cơ thể sẽ cố gắng làm mát bằng cách đẩy nhiều máu hơn đến các động mạch và tĩnh mạch gần bề mặt da. Điều này khiến tim hoạt động vất vả hơn và lấy đi năng lượng từ các cơ bắp đang hoạt động. Kết quả là mỗi bước chạy sẽ tốn nhiều nỗ lực hơn, khiến tốc độ chạy của bạn chậm lại.
Chạy bộ trong điều kiện nóng ẩm cũng khiến bạn mất nhiều dịch qua mồ hôi, làm tăng nguy cơ mất nước. Mất nước gây ra nhiều vấn đề khác có thể làm giảm tốc độ của bạn, trong đó có việc mất dịch (huyết tương) trong máu. "Ít huyết tương trong máu đồng nghĩa tim bạn không thể bơm đi nhiều máu với mỗi nhịp đập. Để cung cấp đủ oxy cho cơ bắp, tim phải đập nhiều lần", Buckingham giải thích.
Vậy nhiệt độ nóng ảnh hưởng đến tốc độ chạy như thế nào? Nhiệt độ và độ ẩm ảnh hưởng đến tốc độ của mỗi người theo cách khác nhau. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm chung, một runner có thể bị chậm lại từ 20 đến 30 giây cho mỗi 1,6 km khi nhiệt độ tăng 2,8 độ C, với mức tối thiểu 15,6 độ C.
Các nhà nghiên cứu từng sử dụng dữ liệu từ hơn 382.000 người hoàn thành Boston Marathon từ năm 1972 đến 2018 để xác định liên hệ giữa hiệu suất chạy và điều kiện thời tiết. Họ phát hiện rằng nhiệt độ trung bình tăng 1 độ C làm giảm hiệu suất chạy trung bình 1 phút 47 giây cho tất cả VĐV.
Một nghiên cứu cũ hơn, được công bố trên PLoS ONE, đã thu thập kết quả từ sáu giải marathon lớn (Paris, London, Berlin, Boston, Chicago và New York) từ năm 2001 đến năm 2010. Nhiệt độ tối ưu cho VĐV dao động từ 3,8 đến 9,9 độ C, với mỗi 1 độ C vượt quá nhiệt độ tối ưu sẽ khiến tốc độ giảm 0,03%. Vì vậy, nếu bạn chạy 1,6 km trong 10 phút ở nhiệt độ 9,9 độ C, bạn sẽ mất 10 phút 18 giây khi nhiệt độ tăng lên 19,9 độ C và 10 phút 36 giây ở nhiệt độ 29,9 độ C.
Thúy Hạnh (theo Runners World)